Giáo sư Nguyễn Tài Thu qua đời lúc 4h50 sáng 14/2 tại Hà Nội, do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 90 tuổi.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh năm 1931, bắt đầu theo ngành châm cứu từ năm 1952 khi ông sang Trung Quốc học châm cứu. Trở về Việt Nam, giáo sư Thu góp công lớn chấn hưng lĩnh vực châm cứu ở Việt Nam.
Năm 1967, giáo sư đi sâu nghiên cứu châm cứu, sau đó gây dựng Hội Châm cứu Việt Nam. Đây chính là nền móng cho Bệnh viện Châm cứu Trung ương sau này. Giáo sư đã mở hơn 500 lớp học truyền nghề cho cả quân y, dân y trên nhiều tỉnh thành Việt Nam như Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng...
Đầu những năm 1980, Bộ Y tế quyết định thành lập Viện Châm cứu Việt Nam, năm 2003 đổi tên là Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Giáo sư Thu làm việc tại đây ở vị trí viện trưởng, sau này là giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương đến năm 2007.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu. Ảnh: VOV |
Giáo sư Nguyễn Tài Thu đóng góp cho nền y học cổ truyền khối tri thức đồ sộ và trường tồn với hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận Đông y như Tân châm, Thủy châm, Nhĩ châm, Điện châm... Đây chính là cẩm nang nghiên cứu, học tập cho hàng nghìn y bác sĩ hiện nay.
Kỹ thuật châm cứu và châm tê cai nghiện ma túy của giáo sư được Bộ Y tế cấp phép triển khai, tỷ lệ cắt cơn cao hơn 90% và được giới thiệu đến gần 50 quốc gia. Phương pháp điện châm gây tê cho phẫu thuật của giáo sư đạt hiệu quả đến 98,3%, thực hiện được 100.000 ca mổ.
Đặc biệt, trường phái Tân châm do giáo sư Nguyễn Tài Thu khởi xướng sử dụng kim dài châm xuyên huyệt theo đường kinh lạc, hiệu quả chữa bệnh gấp nhiều lần so với trường phái khác. Phương pháp này giúp điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân khỏi căn bệnh cấp và mạn tính như thần kinh tọa, rối loạn tiền đình, đau đầu, mất ngủ, tai biến mạch máu não, cắt cơn cho người nghiện ma túy, chữa bệnh béo phì, rối loạn thần kinh thực vật, cắt cơn hen phế quản...
"Châm cứu là phương pháp điều trị y học cổ truyền không tốn kém chi phí, không đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, mang đến hiệu quả cao, điều trị nhiều bệnh lý cấp và mạn tính", giáo sư Thu từng nói.
Ông cùng các đồng sự đã đi Pháp, Nga và nhiều nước khác giảng dạy, thành lập cơ sở điều trị châm cứu, làm rạng danh ngành châm cứu Việt Nam.
Cuối đời, giáo sư tiếp tục cống hiến thông qua hoạt động tại Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam.
Gia đình giáo sư cho biết tang lễ sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Cậu bé vượt nửa vòng trái đất về Việt Nam chữa tự kỷ
Nicky Tran được gia đình đưa từ Mỹ về TP HCM chữa tự kỷ bằng phương pháp y học cổ truyền. |