Giám đốc đổ trộm chất thải ở Sóc Sơn đối diện hình phạt nào?

Theo quan điểm của Luật sư, các cơ quan, sở ban ngành cần phải chú trọng hơn nữa và tiến hành xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Theo quan điểm của Luật sư, các cơ quan, sở ban ngành cần phải chú trọng hơn nữa và tiến hành xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. 

Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội đã tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Cường (32 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Môi trường xanh Bắc Sơn) để làm rõ hành vi đổ trộm chất thải nguy hại.

Nguyễn Văn Cường được công an xác định là chủ mưu chôn trộm 11 hố chất thải nguy hại ở Sóc Sơn.

 

Vụ đổ trộm chất thải nguy hại ở Sóc Sơn gây xôn xao dư luận. Ảnh: Thanh tra

Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Cường bước đầu khai nhận, khoảng tháng 5/2017, trong quá trình chở vật liệu xây dựng đến khu vực xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, thấy một số người dân ở xã Văn Môn nấu nhôm có thải nhiều bột, bụi nhôm, Cường nảy sinh ý định mua bụi nhôm về bán kiếm lời.

Cường mua 7 tấn bụi, xỉ nhôm với giá 2 triệu đồng của một người không rõ danh tính tại xã Văn Môn, sau đó chở về nhà tại xã Bắc Sơn để tìm khách bán. Do không tìm được người mua, Cường đi tìm chỗ đổ và phát hiện tại gò núi Sú, thôn Lai Sơn gần nhà Cường là nơi vắng người qua lại.

Cường đã nhờ Nguyễn Văn Long, là người có máy xúc ở thôn múc 2 hố đất sâu khoảng 3 m, rồi trực tiếp chở số bụi mịn nhôm trên đến đổ xuống hai hố rồi lấp lại, san bằng để xóa dấu vết.

Đến tháng 7/2019, do mưa xói mòn, 2 hố có hiện tượng sụt lún, gia đình ông Đặng Văn Đại (chủ đất) phát hiện có hiện tượng bốc khói, mùi hôi nên đã trình báo cơ quan chức năng.

Khi bị gia đình ông Đặng Văn Đại phát hiện, Cường đã chủ động gọi điện thoại nhờ anh Long mang máy xúc ra khu vực mà Cường đã đổ chất thải trước đây để múc toàn bộ số chất thải đó về khu vực sân vườn sau nhà Cường để tập kết.

Trong quá trình điều tra, Phòng PC05 đã phối hợp với các đơn vị chức năng khác lấy 2 mẫu vật tại nhà Nguyễn Văn Cường và 4 mẫu vật tại khu đất của gia đình ông Đặng Văn Đại để xác định ngưỡng nguy hại của chất thải.

 

Luật sư Hoàng Tùng

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng VP LS Trung Hoà (Đoàn Luật sư Hà Nội) Luật sư Hoàng Tùng nhận định:

Thứ nhất, theo thông tin nắm bắt được thì hiện tại đã cơ bản xác nhận được thủ phạm của việc đổ chất thải nguy hiểm tại huyện Sóc Sơn là đối tượng Nguyễn Văn Cường. Hành vi chôn số lượng chất thải lớn của Cường là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến môi trường, gây nguy hiểm cho người dân khu vực này.

Theo quy định tại Điều 31. Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại của Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường Và tại Điều 9. Điều kiện để được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu đã xác định các tổ chức muốn được kinh doanh hoạt động xử lý chất thải nguy hại phải được Bộ Tài nguyên môi trường cấp giấy phép với nhưng điều kiện chặt chẽ, ngặt nghèo đảm bảo đơn vị đó có đủ trang thiết bị, con người, trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu quản lý, vận chuyển, xử lý các chất thải nguy hại đảm bảo an toàn.

Cá nhân, tổ chức không được cấp giấy phép thì không được vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Hành động đốt các chất thải nguy hại lộ thiên, tùy tiện không tuân theo quy trình xử lý chất thải nguy hại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho cộng đồng. Hành động đó có thể bị xử lý hành chính thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự.

Thứ hai, về xử lý vi phạm hành chính. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt: Điều 22. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại

h) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại.

Điều 23. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại

7. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau: h ) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại.

Trường hợp các chất thải nêu trên là chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật dưới 3.000 kgthì sẽ bị xử phạt 500.000.000 đến 1.000.000.000 đồng. Ngoài ra thì sẽ bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “ Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm”.

Thứ ba, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường tại Điều 235 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật… chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy… chất thải nguy hại khác. Tùy thuộc vào khối lượng và trọng lượng chất thải mà sẽ có hình phạt tương ứng. Hình phạt cao nhất khi phạm tội này là phạt tù đến 7 năm kèm theo hình phạt bổ sung khác. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ là phạt tiền kèm theo đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn).

Để xử lý hành vi vi phạm nêu trên một cách triệt để, đúng pháp luật thì cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng điều tra làm rõ một số vấn đề như: Khối lượng, trọng lượng chất thải trôn ở huyện Sóc Sơn là bao nhiêu? Chất thải nguy hiểm đó cụ thể là chất gì? Tác động như thế nào đến môi trường và cuộc sống của con người? Có ai cùng thực hiện hoặc biết về hành vi của đối tượng Cường hay không? Việc chôn chất thải nên trên là cá nhân đối tượng thực hiện hay có tổ chức nào liên quan hay không?... để xử lý đúng người, đúng hành vi.

Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng, hiện nay vấn đề kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung và đặc biệt là xử lý chất thải nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, các cơ quan, sở ban ngành cần phải chú trọng hơn nữa và tiến hành xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.

 Vũ Đậu  18/12/2019 | 09:42 GMT+7

Công an kiểm tra nhà xưởng nghi liên quan vụ đổ trộm chất thải lạ ở Hà Nội

UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp xuống Hợp tác xã Môi trường Xanh – công ...

Công an truy tìm nghi phạm đổ trộm chất thải độc hại ở Hải Phòng

Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vừa phát đi thông báo truy tìm 2 người ở huyện Vũ Thư, tỉnh ...

Quảng Nam: Bắt xe tải đổ trộm chất thải

Chiều 6/12, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa bắt giữ một xe đầu kéo làm đổ chất thải xuống đường rồi ...

/ www.doisongphapluat.com