Tuyên bố mới nhất từ Fed và thông tin về sản xuất Mỹ hỗ trợ quan trọng cho giá vàng.
Phiên giao dịch ngày 17/5, giá vàng tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất tính từ tháng 1/2021 khi mà đồng USD giảm giá và nhiều chỉ số chứng khoán trên toàn cầu đi xuống.
Giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 22,5 USD một ounce lên 1.866,4 USD.
Giá vàng tăng mạnh trong phiên Mỹ tối 18/5. Ảnh: Kitco. |
Trong phiên ngày đầu tuần, giá vàng được hỗ trợ sau khi Phó chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Fed, ông Richard Clarida, tuyên bố kinh tế Mỹ chưa đến giai đoạn có những diễn biến đủ tích cực để ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu rút đi chương trình mua tài sản. Thông tin này lập tức gây áp lực lên đồng USD và nhờ vậy hỗ trợ cho vàng - loại tài sản được định giá bằng USD. Dollar Index giảm 0,2%.
Mức tăng của giá vàng trong ngày đầu tuần được cho là cao nhất tính từ ngày 6/5. Trong tuần trước, giá vàng tăng 0,4%.
Các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của MarketWatch nhận định rằng ngưỡng kháng cự tiếp theo của giá vàng sẽ là 1.881 USD còn ở chiều ngược lại, ngưỡng hỗ trợ là 1.800 USD.
Thông tin kinh tế Mỹ cũng hỗ trợ cho giá vàng. Chỉ số sản xuất khu vực New York (Empire State Manufacturing Index) giảm xuống 24,3 điểm trong tháng 5 từ mức cao nhất trong 3 năm là 26,3 điểm của tháng 4/2021, theo Fed New York công bố. Trong tháng 5/2021, chỉ số đơn hàng mới tăng 2 điểm lên 28,9 điểm còn chỉ số hàng vận chuyển tăng 4,7 điểm lên 29,7 điểm.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, ông Edward Moya, nhận định: "Nhà đầu tư vàng đón nhận thông tin kinh tế toàn cầu phục hồi không ổn định như dấu hiệu quan trọng hỗ trợ cho giá vàng. Quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, vì vậy nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ phải duy trì hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian lâu hơn".
Ông Moya nhận định giá vàng có thể tiếp tục tăng nếu lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ duy trì trong ngưỡng quanh mốc 1,6%. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của vàng hiện nay chính là USD mạnh lên, khả năng này có thể xảy ra nếu các biện pháp phong tỏa tại châu Á trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới được áp dụng rộng hơn.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu công nghệ đi xuống kéo theo các chỉ số chính mất điểm.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 0,2% xuống 34.327,79 điểm. S&P 400 giảm 0,3% xuống 4.163,29 điểm, cổ phiếu công nghệ trong S&P 500 hạ 0,7%. Chỉ số Nasdaq mất 0,4% còn 13.379,05 điểm.
Cổ phiếu công nghệ chịu nhiều sức ép ngay từ phiên giao dịch khởi đầu tuần mới, cổ phiếu Apple và Netflix (-0,9%), Microsoft (-1,2%), Tesla (-2%).
Nhiều tuần gần đây, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã bán mạnh cổ phiếu công nghệ trong xu thế dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ và chuyển sang cổ phiếu chu kỳ kiểu như cổ phiếu ngành năng lượng, tài chính và hàng hóa nguyên liệu.
Trưởng bộ phận đầu tư tại ngân hàng UBS, ông Mark Haefele, nhận định: "Nhà đầu tư nên chuẩn bị cho khả năng sẽ có nhiều biến động trên thị trường chứng khoán chủ yếu do số liệu lạm phát cũng như nhiều rủi ro khác. Tuy nhiên, nỗi lo về lạm phát sẽ không thể khiến cho chứng khoán ngừng tăng điểm, nhóm cổ phiếu chu kỳ sẽ lên điểm khi quá trình tái mở cửa nền kinh tế được đẩy nhanh hơn".
Diệu Thanh (Theo Market Watch, CNBC)
Giá vàng hôm nay 15/5: Vàng bật tăng mạnh
Giá vàng hôm nay (15/5) tăng mạnh do áp lực lạm phát gia tăng và sự bất ổn kinh tế mới tạo ra tâm lý ... |
Chứng khoán Mỹ, giá vàng giảm sâu
Thông tin lạm phát cao bất ngờ, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng đã tác động đến giá cổ phiếu và vàng ... |