Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là "ưu tiên tuyệt đối của nhóm."
G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại dịch COVID-19. (Nguồn: argaam.com)
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 26/3 đã ra tuyên bố khẳng định G20 sẽ nỗ lực hết mình để vượt qua đại dịch này.
Theo tuyên bố trên, các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại dịch COVID-19.
Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là "ưu tiên tuyệt đối của nhóm."
Theo G20, phương hướng đối phó cần phải minh bạch, vững chắc, có quy mô lớn và đòi hỏi sự phối hợp.
Các nhà lãnh đạo G20 cam kết khôi phục lòng tin, giữ vững sự ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ hơn.
G20 cũng cam kết trợ giúp tất cả các quốc gia đang gặp khó khăn cũng như phối hợp mọi biện pháp y tế công cộng và tài chính cần thiết để chống lại đại dịch, bảo vệ người dân, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất.
Tuyên bố cũng nêu rõ G20 cam kết chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng y tế.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết tăng cường vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc phối hợp cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Trước đó, phát biểu trực truyến được truyền từ thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Nhóm G20 cùng hành động và khôi phục niềm tin đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ông Tập Cận Bình hối thúc các nước G20 cắt giảm thuế, xóa bỏ các rào cản thương mại và tạo điều kiện để dòng chảy thương mại không bị giới hạn.
Ông nhấn mạnh các nước trên thế giới cần tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó với những tác động của dịch COVID-19 và ngăn chặn nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Chủ tịch Trung Quốc đồng thời kêu gọi thực thi các chính sách tài chính và tiền tệ quyết liệt và hiệu quả, phối hợp các quy định về tài chính và ổn định các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ đóng góp vào sự ổn định của nền kinh tế thế giới bằng cách đẩy mạnh cải cách và mở cửa, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường nhập khẩu và đầu tư ở nước ngoài.
Ngoài ra, ông cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tài chính chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng.
Ông cũng cho rằng thế giới cần tăng cường hợp tác để xây dựng một mạng lưới toàn cầu "mạnh nhất" nhằm kiểm soát dịch bệnh và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 được tổ chức trong bối cảnh trên toàn cầu đã có hơn 492.000 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 22.000 người tử vong do COVID-19.
Theo Saudi Arabia, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của G20 lần này không chỉ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo G20 mà còn có các đại diện cấp cao từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng các nhà lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Jordan, Thụy Sĩ và Singapore cũng tham dự sự kiện này./.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 bàn cách ứng phó COVID-19
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Jordan, Thụy Sĩ và Singapore cũng được mời ... |