Với tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 gia tăng từng ngày, một loạt quốc gia ở Đông Nam Á lựa chọn cách thức mở cửa trở lại theo lộ trình cẩn trọng và linh hoạt để vừa đảm bảo dịch bệnh trong tầm kiểm soát, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế sau nhiều tháng tê liệt.
Với sự xuất hiện của biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều những biến chủng trước của virus SARS-CoV-2, cộng đồng quốc tế nói chung và các nước châu Á đều xác định mục tiêu "đưa số ca nhiễm COVID19 về 0" ở giai đoạn hiện nay là chiến lược thiếu bền vững. Cũng bởi vậy, các chính phủ đang dần chuyển hướng sang dựa vào vaccine để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong, thay vì hạn chế số ca nhiễm bằng các biện pháp phong tỏa khắt khe.
Tại Đông Nam Á, dù khởi động "cuộc đua" tiêm vaccine diện rộng có phần chậm hơn các quốc gia phát triển, song nhiều nước đã và đang gặt hái những thành tựu ban đầu trong nỗ lực này, qua đó từng bước mở cửa trở lại nhằm vực dậy nền kinh tế nói chung và nhất là ngành du lịch, sau một thời gian dài tê liệt vì COVID-19.
Theo Bloomberg, Indonesia, quốc gia từng được xem là "điểm nóng" COVID-19 của thế giới, từ hôm nay (ngày 14/10, giờ địa phương) sẽ thí điểm việc mở cửa trở lại đảo Bali và quần đảo Riau cho du khách quốc tế từ 18 nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Bước đi trên có thể thực hiện bởi nhà chức trách Indonesia đánh giá tỷ lệ người dân đã có miễn dịch cao nhờ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên. Đến ngày 13/10, số liệu trên Our World in Data chỉ ra rằng, quốc gia Đông Nam Á đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho hơn 57,6 triệu người.
Straits Times tiết lộ, hiện 98% trong tổng dân số khoảng 4,4 triệu người ở Bali đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 80% tiêm đủ hai mũi. Ở quần đảo Riau, con số tương tự là 83% và 58%. Indonesia kì vọng việc mở cửa trở lại Bali và Riau sẽ mang lại kinh nghiệm thực tế để điều chỉnh các chính sách liên quan đến thị thực và phòng dịch, hướng tới mở cửa trở lại toàn bộ đất nước.
Táo bạo hơn, ngày 12/10, quốc đảo Singapore ra thông báo họ sẽ tiếp nhận các công dân tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 đến từ Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ mà không yêu cầu họ phải cách ly sau khi nhập cảnh. "Toàn bộ các nước trên đều đã mở cửa cho công dân Singapore. Vì thế, động thái mới sẽ khôi phục hoạt động đi lại không cần cách ly giữa Singapore và 8 nước", Bộ trưởng Giao thông Singapore S Iswaran nhấn mạnh.
Nhờ sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất nhì thế giới, Singapore gần đây đã tự tin ban hành một loạt biện pháp sống chung với dịch COVID-19, bao gồm không cách ly người tiếp xúc gần F0; chỉ xét nghiệm PCR cho người có triệu chứng; tăng cường cho F0 tự điều trị tại nhà; vạch lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em; tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường và bước vào giai đoạn "bình thường mới".
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự báo cần từ 3 đến 6 tháng để Singapore chuyển sang trạng thái này, nghĩa là có thể cắt giảm quy định hạn chế và thực hiện quy định kiểm dịch mới bớt nghiêm ngặt hơn. "Đây là chiến dịch dài hơi chống COVID-19", ông Lý nói.
Cùng thời điểm, Thái Lan xác nhận họ sẽ mở cửa 5 điểm du lịch quan trọng bao gồm thủ đô Bangkok. Thái Lan đã đi trước các quốc gia ở khu vực một bước khi thử nghiệm tương đối thành công chương trình "hộp cát Phuket" từ đầu tháng 7/2021. Sau 3 tháng mở cửa, đảo Phuket thu hút hơn 43.000 du khách, mang về gần 70 triệu USD. Việc mở cửa 5 điểm du lịch lần này cũng dựa trên mô hình "hộp cát" và là tiền đề để Thái Lan nới lỏng hơn nữa vào đầu năm sau. Tại Thái Lan, các quy định đi lại giữa các địa phương cũng được dỡ bỏ đáng kể.
Philippines cũng đang dần mở cửa thủ đô. Các nhà hàng và dịch vụ chăm sóc cá nhân ở Manila được phép tăng gấp đôi công suất hoạt động, lên mức 20%. Các phòng tập gym cũng được nối lại hoạt động, nhưng chỉ mở cửa cho những khách hàng đã được tiêm chủng đầy đủ. Hồi tháng 9, nước này đã phê duyệt kế hoạch mở thí điểm lớp học trực tiếp tại 120 trường ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp.
Malaysia, nơi hơn 66% dân số được tiêm chủng đầy đủ, ngày 12/10 thì quyết định cho phép những người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 được đi lại tự do trên khắp đất nước tùy theo nhu cầu cá nhân. Giới chức Malaysia đề nghị người dân cảnh giác, tuân thủ hướng dẫn về y tế, trong đó những người có ý định trở về quê thăm gia đình hoặc tới các bang khác nên xét nghiệm trước khi khởi hành. Những người có triệu chứng ho, sốt và khó thở cần hoãn chuyến đi.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob thông báo, người Malaysia tiêm 2 mũi vaccine không cần xin phép khi di chuyển ra nước ngoài, song vẫn sẽ được yêu cầu cách ly khi về nước. Từ tháng 9, Malaysia đã mở cửa trở lại điểm du lịch nổi tiếng Langkawi cho khách nội địa và hiện đang xem xét mở cửa với du khách quốc tế.
Có thể nói, dù mỗi nước áp dụng chính sách riêng nhưng nhìn chung đều tham khảo hướng dẫn đánh giá tình hình dịch bệnh từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó cố gắng phong tỏa hẹp nhất các khu vực có chùm ca bệnh và chỉ tiếp nhận trước cho công dân tới từ những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp, tiến hành tầm soát ca bệnh cẩn trọng bằng cách ly hoặc xét nghiệm. Trong bối cảnh châu Mỹ và châu Âu đang mở cửa trở lại mạnh mẽ, việc Đông Nam Á nới lỏng các biện pháp phòng dịch là điều cần thiết để phát triển kinh tế.
Giới chuyên gia nhận định, nếu những bước đi mở cửa kể trên của các quốc gia Đông Nam Á thành công trong việc "hồi sinh" ngành dịch vụ mà không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sức khỏe cộng đồng, nó có thể sẽ trở thành "hiệu ứng domino" để các nước khác trong khu vực tiếp bước.
Cũng cần khẳng định, việc chấp nhận có thể có các ca nhiễm COVID-19 mới trong quá trình mở cửa nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay không có nghĩa là chiến lược "không COVID-19" đã sai lầm ngay từ đầu. Trên thực tế, nhờ các biện pháp phong tỏa hiệu quả, nghiêm túc khi dịch bệnh mới bùng phát, rất nhiều quốc gia đã hạn chế được số ca tử vong và tận dụng hiệu quả quãng thời gian này để chuẩn bị nguồn lực ứng phó với những đợt bùng phát dịch mới, cũng như sẵn sàng phân phối, tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi chúng được cấp phép lưu hành.
Đông Nam Á chuyển hướng “chung sống” với COVID-19
Trong khi đang phải vật lộn với một trong những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất thế giới, nhiều nước tại khu vực ... |