Trước nguy cơ Covid-19 xâm nhập khi ổ dịch TP HCM đang diễn biến phức tạp, chính quyền Đồng Nai lập 20 chốt kiểm dịch, Bà Rịa - Vũng Tàu cấm tắm biển.
Theo UBND Đồng Nai, từ 0h ngày 2/6, 8 chốt kiểm soát Covid-19 cấp tỉnh và 12 chốt cấp huyện tại các trục đường giao thông chính vào địa phương sẽ hoạt động.
Các chốt kiểm soát chính tập trung các hướng từ TP HCM và Bình Dương đến tỉnh như: cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1A, Hóa An trên quốc lộ 1K, Long Thành ở nút giao quốc lộ 51 với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... Lực lượng kiểm soát gồm công an, nhân viên y tế, thanh tra giao thông... đo thân nhiệt, kiểm tra dịch tễ người vào tỉnh.
Động thái được UBND Đồng Nai thực hiện sau khi hai địa phương lân cận là TP HCM và Bình Dương liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Trước đó, tỉnh này dừng hoạt động các tuyến xe khách liên tỉnh, xe dịch vụ, taxi đi đến TP HCM.
Từ ngày 27/4 đến nay, Đồng Nai ghi nhận một ca bệnh ở tại TP Long Khánh, là nữ quản lý quán bar liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng. Đến nay, bệnh nhân này đã xuất viện sau 3 lần xét nghiệm âm tính nCoV.
Trong khi đó, đến ngày 1/6, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa ghi nhận ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, những người liên quan các ca bệnh được cách ly, xét nghiệm ngay và đều âm tính. Tuy nhiên, nhận định nguy cơ dịch xâm nhập thời gian tới là rất lớn, tỉnh này quyết định cấm tắm biển từ 12h trưa nay.
Biển cấm tắm biển được UBND phường 1, TP Vũng Tàu đặt ở Bãi Trước, sáng 1/6. Ảnh: Trường Hà. |
10h sáng, nhóm cán bộ, công an của UBND phường 1, TP Vũng Tàu chạy xe loa đến đặt biển cấm ở Bãi Trước, nơi người dân địa phương tắm biển mỗi ngày. Họ căng dây ở các lối lên xuống bãi biển bắt đầu từ đường Trần Phú đến hết đường Quang Trung. Một vài người dân đang tắm nhanh chóng rời đi.
Bà Nguyễn Việt Nga, 62 tuổi, người cuối cùng lên bờ trước khi bãi biển được đóng lại cho biết, bà mắc bệnh xương khớp rất nặng nên một mình chuyển vào Vũng Tàu thuê nhà ở từ đầu năm nay. Mỗi ngày bà dành hơn 4h ra biển đắp cát nóng và tắm. "Nhờ vậy mà tôi khỏe lên, không còn phải đi bệnh viện, uống thuốc triền miên như trước", bà cho biết.
Bà Nga nói rằng trong những ngày tới sẽ "rất nhớ biển và mình mẩy sẽ đau nhức". Bà ước ao dịch qua nhanh để được tắm, mọi người sống vui vẻ trở lại.
Cách đó hơn 3 km, Bãi Sau mát mẻ, gió nhẹ. Chưa đến giờ cấm, song trên bãi biển vắng lặng, lác đác vài người tắm. Các khu du lịch dọc đường Thùy Vân cũng đóng cửa. "Bây giờ người dân địa phương lẫn du khách có ý thức về dịch bệnh hơn trước nhiều rồi", ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu nói.
Theo ông Tộ thời gian này du khách đến Vũng Tàu rất ít, song vẫn sẽ duy trì lực lượng vào mỗi buổi sáng và chiều tối để ngăn chặn những người bất chấp lệnh cấm xuống biển tắm và tụ tập đông người ở các công viên, bờ kè.
Năm ngoái, Bà Rịa – Vũng Tàu cấm tắm biển hơn một tháng, trúng dịp lễ 30/4. Khi đó khách du lịch đổ về rất đông, TP Vũng Tàu huy động 1.000 người ngăn chặn khách tắm biển.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã ngưng hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy từ vùng dịch, đi qua vùng dịch đến tỉnh và ngược lại. Riêng vận chuyển hàng hóa ra huyện Côn Đảo được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát chặt chẽ số người trên tàu. Những người này phải cách ly tại nơi lưu trú trong thời gian chờ tàu xuất bến, được kiểm dịch khi lên bờ. Các dịch vụ ăn uống, giải khát không phục vụ tại chỗ.
Biển Bãi Sau vắng vẻ. Ảnh: Trường Hà. |
Những ngày qua, dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía Nam, đa số liên quan đến cụm dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, ở quận Gò Vấp, TP HCM. Ngoài 211 ca nhiễm ở TP HCM, 6 tỉnh thành gồm Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Đăk Lăk, Bạc Liêu đều có ca lây nhiễm liên quan đến ổ dịch này. TP HCM đang giãn cách xã hội hai tuần.
Trường Hà - Phước Tuấn
Đồng Nai truy tìm 3 người trốn khỏi khu cách ly |
Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai nới lỏng một số dịch vụ |