''Rác'' facebook, hay ''rác'' mạng xã hội nói chung, là những thứ tồn tại hiển nhiên và được nhắc tới nhiều. Hẳn sẽ có những người cảm thấy ý kiến về việc dọn rác facebook là chuyện nhàm tẻ, nhất là khi những tài khoản chuyên xả rác đa số lại là những “nick ảo”. Tuy nhiên, việc dọn rác facebook không hẳn là một việc kiểu “Don Quixotte đánh nhau với cối xay gió”.
Nó nên là một ý thức nghiêm túc của những người dùng mạng xã hội tích cực. Và đã quyết tâm dọn rác, ta cũng nên hiểu không phải ta tuyên chiến với các tài khoản cá nhân thuộc diện nick ảo mà là những trang (page), hội nhóm (group) có số lượng thành viên và có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định lên đời sống xã hội.
Một ví dụ: gần đây, trên một tài khoản facebook có tên “Đất Nam Kỳ” có một bài đăng được chia sẻ lại khá nhiều với nội dung chủ yếu là công kích vào kính ngữ “ạ”. Bài đăng này cho rằng đó là cách nói của những người “Bake” (Bắc kỳ) và nó được đưa vào đời sống Nam Bộ theo một “chiến lược” để nhằm tạo ra “cái chết của một ngôn ngữ là cái chết của một nền văn hoá”. Chưa cần nói tới sự áp đặt khiên cưỡng và xuẩn ngốc của thông tin bài đăng mà chỉ cần nói đến thái độ của bài đăng này chúng ta đã thấy mang nặng tư tưởng kỳ thị vùng miền, kỳ thị miền Bắc. Và không chỉ có một bài đăng như vậy mà thôi. Rất nhiều các bài đăng của trang “Đất Nam Kỳ” này đều có một thái độ hằn học kinh khủng đối với miền Bắc. Thậm chí nó kêu gọi “Không nói theo tiếng Bắc Kỳ” hay mỗi ngày dành 1-2 tiếng đồng hồ để “dạy lợi con cái nói khác SGK - công cụ đồng hoá của Bắc Kỳ” (trích nguyên văn).
Đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện về một thái độ sai trái, lệch lạc mà còn là ví dụ tiêu biểu của một hành vi đi ngược với tiêu chuẩn cộng đồng mà facebook đã đề ra. Quy ước chung của tất cả các dạng mạng xã hội, nền tảng truyền thông cá nhân đều cấm các nội dung “kích động thù hằn, thể hiện thái độ thù địch và kỳ thị”. Chính các nền tảng cũng đều phải thoả ước với các chính phủ về việc xử lý các tài khoản có bài đăng, nội dung theo thiên hướng này. Về phía người dùng, đối diện các nội dung kích động thù hằn, chúng ta thường có hành xử thế nào khi cảm thấy nó không phù hợp với quan điểm của mình? Thường là chúng ta bỏ qua, hoặc có thể mạnh tay hơn là thiết lập chế độ ẩn mọi nội dung hay thẳng thừng chặn (block) tài khoản ấy lại. Song, đó là cách hành xử đủ cho bản thân nhưng chưa đủ cho cộng đồng. Thứ chúng ta cần phải làm là “dọn rác”. Cụ thể, ngoài việc chặn để không còn phải đọc nó nữa, chúng ta nên gửi báo cáo (report) cho facebook. Một người báo cáo có thể không mang lại kết quả nhưng nếu số lượng người báo cáo lên tới hàng trăm, hàng ngàn, facebook chắc chắn sẽ vô hiệu hoá các tài khoản xả rác kiểu này ngay lập tức.
Những nhóm (group), trang (page) có nội dung kích động giống như “Đất Nam Kỳ” hiện nay đang tồn tại khá tràn lan trên mạng xã hội. Là những người dùng tích cực mong muốn một môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch, chúng ta không thể trông đợi vào việc xử lý từ các cơ quan chức năng mà cần phải góp một tay vào việc dọn rác. Hãy nhớ, nếu ta không có ý thức trách nhiệm này, sẽ có ngày chính những nội dung độc hại kiểu rác facebook ấy lôi kéo chính những người thân của mình tin tưởng và cổ xuý chúng.
Văn Đoàn
Metaverse có thể không khá hơn so với phương tiện truyền thông xã hội |
Lập hàng loạt Facebook ảo kêu gọi từ thiện, chiếm đoạt hàng tỷ đồng |
Tham vọng tiến tới vũ trụ ảo Metaverse trong Facebook mới |