Luật sư cho rằng việc ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đề nghị phóng viên đến tác nghiệp phải cung cấp cả hợp đồng lao động là cản trở báo chí, vi phạm pháp luật.
Mạng xã hội đang xôn xao văn bản của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đề nghị Báo Người Hà Nội cung cấp một số thông tin về phóng viên được cử đến trường xác minh thông tin phản ánh.
Theo đó, ngoài việc đề nghị cung cấp thẻ nhà báo, cung cấp cụ thể thông tin phản ánh, nhà trường còn đề nghị Báo Người Hà Nội cung cấp chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước, hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng phóng viên.
Văn bản trên của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội lập tức “gây bão” với nhiều bình luận cho rằng trường này làm không đúng quy định của Luật Báo chí.
Văn bản gây xôn xao của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. |
Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho rằng, việc Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội yêu cầu những hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật thể hiện sự cản trở hoạt động báo chí và nhà báo.
"Tôi cho rằng người đưa ra văn bản này chưa nắm rõ Luật Báo chí và có sự cứng nhắc. Điều này càng làm dư luận hoài nghi về sự minh bạch khiến nhà trường như muốn "làm khó" việc tiếp cận xác minh thông tin của phóng viên.
Nếu thực hiện theo đúng văn bản cho thấy có sự ngăn cản báo chí tác nghiệp. Mọi hành vi ngăn cản báo chí cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật bày tỏ quan điểm.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, phóng viên, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo khi đến cơ quan, tổ chức để lấy tin, chụp ảnh. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác.
Phóng viên, nhà báo được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật...
"Tại Luật Báo chí 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Từ năm 2014, Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực báo chí chính thức có hiệu lực. Đây được coi là hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người cầm bút, trong đó có cả phóng viên - những 'nhà báo không thẻ'", luật sư nói.
Dưới góc độ của người giám sát hoạt động báo chí, ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Luật Báo chí nêu rõ, phóng viên báo chí khi tác nghiệp chỉ cần đưa thẻ nhà báo là đủ.
Tuy nhiên, cũng theo Luật Báo chí, cơ sở có quyền từ chối phóng viên khi thấy không rõ mục đích hoặc không rõ tôn chỉ mục đích của đơn vị.
Trước những ý kiến trái chiều về tính hợp lý của văn bản "phóng viên tác nghiệp phải trình hợp đồng lao động", ông Phan Hữu Minh phân tích: "Hoạt động báo chí trong đất nước có Luật Báo chí nên tôi kêu gọi mọi người thực hiện cho đúng luật, đúng yêu cầu tác nghiệp, đúng hành xử khi tác nghiệp.
Đơn vị nào chưa tạo điều kiện cho những nhà báo chân chính làm việc thì cũng cần sự trao đổi lại để đi đến chỗ thống nhất, nếu không thể thống nhất được thì báo cáo cơ quan chủ quản. Ở đây, cơ quan chủ quản của Báo Người Hà Nội là Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội".
Một trường hợp nghi giả danh Cục Báo chí vào tặng hoa công an |
Báo chí thế giới ca ngợi Việt Nam chữa trị cho phi công Anh mắc COVID-19 |
“Xin đừng định kiến về phóng viên nữ làm thể thao” |