Đời phong ba của chú ngựa phim "Tây du ký"

Năm 1983, Bạch Long Mã khỏe khoắn, lông mượt khi đóng phim "Tây du ký", năm 1995, nó gầy trơ xương, bẩn thỉu.

Ngày 8/10, một blogger giải trí đăng loạt ảnh Bạch Long Mã trong phim Tây du ký 1986 và ở hậu trường, thu hút bình luận của nhiều khán giả trên Weibo. Bạch Long Mã là đồ đệ phò giá Đường Tăng đi thỉnh kinh - nhân vật chính xuất hiện ở hầu hết các tập. Trong cuốn Dương Khiết tự thuật: chín chín tám mốt nạn của tôi (xuất bản năm 2014), cố đạo diễn Dương Khiết kể về hành trình cống hiến tới khi già nua, bị quên lãng của chú ngựa đóng Bạch Long Mã.

Chú ngựa trắng được đoàn phim mua ở Mông Cổ vào tháng 9/1983 với giá 800 tệ. Trước đó, đoàn không có ngựa cố định, đi đến đâu thuê ngựa ở địa phương đó, vì thế gặp nhiều phiền toái.

Một lần quay ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, đoàn không kiếm được ngựa trắng, chỉ tìm được ngựa nâu. Chuyên gia hóa trang bèn nhuộm màu trắng cho ngựa. Con này bất kham, luôn chạy vào ruộng lúa nước khiến lông lộ thành màu nâu. Đạo diễn chỉ còn cách quay cảnh xa Đường Tăng cưỡi ngựa và ba đồ đệ. Lần khác, khi quay tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, đoàn phim chỉ thuê được con ngựa ốm yếu. Khi Đường Tăng (Uông Việt) nhảy lên lưng, con ngựa xiêu vẹo. Đạo diễn nói: "Thôi đừng cưỡi nữa, dắt nó thôi". Vì thế, suốt tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Đường Tăng không hề cưỡi ngựa.

doi phong ba cua chu ngua phim tay du ky
Cảnh về Bạch Long Mã xuyên suốt phim "Tây du ký". Ảnh: QQ.

Từ khi mua được ngựa trắng, đạo diễn phấn chấn vì nó vừa đẹp vừa hiểu chuyện. Lúc vào đoàn, nó bốn tuổi. Đoàn phim cắt cử hai người chuyên chăm sóc việc ăn uống, đi lại cho ngựa. Nhờ được chăm sóc tốt, ngựa ngày càng đẹp, lông bóng mượt, óng ả. Đường xa, nó đi tàu hỏa, đường gần, nó được đưa lên xe tải. Các thành viên trong đoàn thường vuốt ve, trò chuyện với ngựa.

Con ngựa cùng đoàn phim trèo đèo lội suối, lên rừng xuống biển. "Nó rất hiểu con người, tận tụy và trung thành, chẳng bao giờ lười nhác, chẳng bao giờ phản bội. Nó không biết nói nhưng biết truyền tải cảm xúc bằng đôi mắt. Ký ức vài lần nó gặp nguy hiểm găm sâu trong tâm trí tôi", đạo diễn viết.

doi phong ba cua chu ngua phim tay du ky
Đạo diễn Dương Khiết cưỡi Bạch Long Mã (ảnh trên) và cảnh chú ngựa bị thương khi đóng phim. Ảnh: Weibo.

Mỗi lần đi xe tải, đoàn phim bắc gỗ cho ngựa bước lên xe. Nó sẩy chân, rơi xuống hố nước. "Ngựa giơ bốn vó giãy giụa nhưng yên nó găm dưới rãnh. Mọi người nhốn nháo tìm cách nâng nó dậy. Tôi đến cạnh nó an ủi 'Mày có đau không? Sao mày không cẩn thận hơn chút. Đừng lo, mọi người sẽ kéo mày dậy. Lúc đó, tôi bỗng nhìn thấy mắt nó chảy nước. Là nước mắt", đạo diễn kể.

Sau đó, đoàn phim kiếm tấm gỗ to hơn làm cầu cho chú ngựa lên xe tải. "Tôi lo lắng nhìn theo, nó rón rén bước lên. Không biết lúc đó nó đã hết hoảng sợ?", bà viết trong cuốn sách.

 

Tháng 6/1987, đoàn phim quay ở Cửu Trại Câu. Chú ngựa ngã khi bước trên các mỏm đá trơn, kẹt giữa các hòn đá lớn. Xung quanh nước chảy xiết. May mắn lúc đó đoàn phim gặp một người nuôi ngựa chuyên nghiệp ở Tây Tạng giúp tìm cách kéo Bạch Long Mã lên.

"Sau khi gặp nguy hiểm, nó tiếp tục quay phim như chưa từng có sự cố. Nếu là con người, ít nhất diễn viên sẽ được nghỉ ngơi đôi phút. Nhưng nó là ngựa, nó không biết đòi hỏi, không biết kể nỗi đau. Tôi nhận ra mình thật tàn nhẫn", đạo diễn chia sẻ. Một lần khác, ngựa suýt chết khi bị trượt xuống một mỏm đá.

Con ngựa bôn ba cùng đoàn phim năm năm. Khi phim đóng máy, ngựa và đạo cụ được đưa tới Vô Tích. Chủ mới dùng ngựa làm vật thu hút khách du lịch với quảng cáo: "Đây là Bạch Mã của Tây du ký". Khách trả tiền để được chụp ảnh cùng Bạch Long Mã, trả khoản lớn hơn để được trèo lên ngựa.

Vì bận rộn, một thời gian sau Dương Khiết mới biết tung tích của Bạch Long Mã. "Tôi rất bất ngờ khi nó thành công cụ kiếm tiền. Nó là công thần của Tây du ký. Năm năm trời gian khó, bao nhiêu ngày phong ba bão táp, bao nhiêu lần vào sinh ra tử. Nó không nên bị đối xử như thế", bà viết.

Năm 1995, bà đến Vô Tích thăm Bạch Long Mã. Nó bị nhốt trong gian tối tăm, chật chội. Vì không được tắm rửa, màu lông trắng trở thành màu tro. Đạo diễn kể, không ai thăm ngựa, không ai nhớ nó là Bạch Long Mã năm nào. Ngựa vừa cô độc vừa mất tự do. Bà xin chủ ngựa chăm sóc tốt cho Bạch Long Mã.

doi phong ba cua chu ngua phim tay du ky
Bạch Long Mã bôn ba cùng đoàn phim và khi già (phía dưới). Ảnh: Weibo.

Năm 1996, bà lại tìm Bạch Long Mã ở Vô Tích. Lần này, nó được thả trong chuồng chung với các con ngựa trẻ, to và khỏe. Quan sát cả buổi, bà thấy chú ngựa không đủ sức chen lấn để có được miếng ăn. "Cứ thế này, nó không bị giẫm chết thì cũng bị đói chết", bà nghĩ. Vì đói, Bạch Long Mã gầy trơ xương, không còn sức sống.

"Thực ra, con người ta chẳng phải cũng vậy? Tôi chẳng phải cũng như con ngựa già này. Khi không còn giá trị sử dụng, ai còn quan tâm cuộc sống bạn thế nào, bạn sống chết ra sao. Người còn như thế, huống hồ con ngựa yếu ớt, không biết nói năng?", Dương Khiết viết. Một năm sau, bà nghe tin con ngựa chết.

Đạo diễn Dương Khiết qua đời năm 2017. Hơn 30 năm qua, bộ phim bà đạo diễn thường xuyên được phát lại trên nhiều đài truyền hình ở châu Á.

Như Anh

doi phong ba cua chu ngua phim tay du ky "Tây du ký" vì sao mãi là niềm đau của Dương Khiết?

Nhắc tới khó khăn trong quá trình quay một tác phẩm phim ảnh, không thể không nhắc tới Tây du ký. Bốn năm vất vả, ...

doi phong ba cua chu ngua phim tay du ky Cuộc sống bí ẩn của mỹ nhân được chọn đóng cảnh "nóng" nhất "Tây du ký 1986"

Chu Lâm cũng là một trong những mỹ nhân xinh đẹp nhất của Tây du ký 1986.

/ vnexpress.net