Đội ngũ giúp Tổng thống Biden hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng làm việc trong chính quyền.
Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ vực dậy nền kinh tế Mỹ từ đại dịch bằng hàng loạt biện pháp kích thích, bao gồm cứu trợ khẩn cấp cũng như đầu tư vào việc làm xanh, cơ sở hạ tầng và hơn thế nữa.
Ông đã tập hợp một nhóm các nhà kinh tế học và luật sư hàng đầu có kinh nghiệm chính trường để biến tầm nhìn của ông thành hiện thực. Nhiều người trong số đó từng phục vụ dưới chính quyền cựu tổng thống Barack Obana, chịu trách nhiệm phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, cú sốc mà Mỹ phải mất một thập kỷ mới có thể hồi phục.
Nhiệm vụ mà họ hiện phải đối mặt thậm chí còn nghiêm trọng hơn, với trên 10 triệu người dân Mỹ bị mất việc làm và đại dịch cướp đi nhiều sinh mạng còn hơn cả Thế chiến II.
Dưới đây là những gương mặt nổi bật trong đội giải cứu kinh tế của Biden.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen
Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters. |
Yellen, nhà kinh tế học 74 tuổi, tốt nghiệp Đại học Brown và Yale, đồng thời từng giảng dạy tại Đại học California ở Berkeley, là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Bộ Tài chính trong 231 năm lịch sử của cơ quan này. Bà còn là người duy nhất trước đó từng dẫn dắt Hội đồng Cố vấn Kinh tế và Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Yellen được cho là người đã giúp đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái cách đây hơn một thập kỷ khi thúc đẩy Ngân hàng Trung ương tập trung vào các vấn đề như bất bình đẳng. Tuy nhiên, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối gia hạn nhiệm kỳ của Yellen tại Cục Dự trữ Liên bang vì cho rằng bà không đủ khả năng cho công việc này.
Giờ đây, Yellen sẽ đảm nhận vai trò giám sát mọi thứ từ thuế quan, các quy định tài chính đến những biện pháp trừng phạt, đóng vai trò là người biến lời kêu gọi chính phủ chi tiêu nhiều hơn của Tổng thống Biden thành hiện thực.
Trong một bức thư gửi tới Thượng viện nhằm hối thúc quá trình xác nhận chức vụ của bà, 14 cựu bộ trưởng tài chính Mỹ khẳng định trong bối cảnh hiện nay, "khó có thể tìm thấy một ứng viên nào tốt hơn" Yellen.
Brian Deese - Lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia
Lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Brian Deese. Ảnh: Reuters. |
Ở tuổi 42, Deese sẽ là người trẻ nhất trong lịch sử Mỹ giữ chức vụ người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, chịu trách nhiệm xây dựng và điều phối các chính sách kinh tế của chính phủ.
Deese đã ghi tên mình vào công cuộc giải cứu ngành công nghiệp ôtô Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Ông sau đó được tin tưởng giao thêm nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác, từ xây dựng quy định tài chính, giải quyết các vấn đề ngân sách đến biến đổi khí hậu, lĩnh vực trọng tâm đối với chiến lược mà Tổng thống Biden vạch ra nhằm khôi phục nền kinh tế Mỹ.
Một số quan chức cánh tả cho rằng Deese, người từng giữ chức giám đốc đầu tư bền vững tại gã khổng lồ tài chính Blackrock trước khi tham gia chính phủ, quá thân thiện với Phố Wall và quá lo lắng về tình trạng gia tăng thâm hụt thương mại Mỹ.
Song ông cũng có những người ủng hộ có tiếng. Sau khi quyết định lựa chọn Deese dẫn dắt Hội đồng Kinh tế Quốc gia được công bố, David Axelrod, cố vấn của cựu tổng thống Obama, đã gọi ông là "người hùng" giúp Mỹ vượt qua cuộc suy thoái năm 2008.
Tổng thống Obama hồi năm 2016 cũng không tiếc lời ca ngợi khi nhắc đến nỗ lực của Deese trong việc thúc đẩy hoàn thành thỏa thuận khí nhà kính Paris.
Deese "đã giúp cứu hành tinh này trong khi nuôi hai con nhỏ ở nhà và không ai có thể làm tốt hơn", cựu tổng thống Mỹ lúc bấy giờ chia sẻ với tạp chí Rolling Stone.
Neera Tanden - Lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách
Tân lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ Neera Tanden. Ảnh: Reuters. |
Tanden sẽ đối diện với nhiệm vụ khó khăn là biến các ưu tiên chính sách thành hiện thực thông qua ngân sách liên bang.
Từng là người đứng đầu Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một viện nghiên cứu ủng hộ tư tưởng tự do trụ sở ở Washington, Tanden, 50 tuổi, giờ đây sẽ là người phụ nữ da màu đầu tiên, đồng thời là người Mỹ gốc châu Á đầu tiên lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Khi công bố đề cử Tanden, Tổng thống Biden đã nhận xét rằng thời thơ ấu của bà, được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đơn thân và phải sống dựa vào các chương trình hỗ trợ, sẽ giúp Tanden hiểu rõ hơn về vai trò giám sát khả năng chi tiêu chính phủ.
Tanden tốt nghiệp Trường Luật Đại học Yale, từng tham gia nỗ lực cải cách y tế dưới thời tổng thống Obama và phụ tá lâu năm của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.
Cecilia Rouse - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ Cecilia Rouse. Ảnh: Reuters. |
Rouse, nhà kinh tế học tại Đại học Princeton, gương mặt được Tổng thống Biden chọn làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ, đã làm nên tên tuổi khi hoạt động về các vấn đề bất bình đẳng cùng sự giao thoa giữa nó với chủng tộc, giới tính, giáo dục cùng nhiều vấn đề khác.
Nghiên cứu nổi tiếng nhất của Rouse cho thấy rằng những buổi thử giọng giấu mặt giúp làm tăng số nghệ sĩ nữ được tuyển vào các dàn nhạc. Một nghiên cứu khác đánh giá chi tiêu của các trường học và ảnh hưởng của học bổng đối với sinh viên đại học.
Tuy nhiên, Rouse, 57 tuổi, không chỉ cố thủ trong "tháp ngà học thuật". Bà từng làm việc trong chính phủ dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton và xử lý các vấn đề như thất nghiệp dài hạn với tư cách cố vấn kinh tế cho cựu tổng thống Obama.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: Reuters. |
Tai sẽ trở thành nhà đàm phán thương mại hàng đầu Mỹ, dẫn dắt cơ quan mà bà từng làm việc với vai trò luật sư chuyên xử lý các khiếu nại của Mỹ về thương mại Trung Quốc.
Bà rời Phòng Thương mại vào năm 2014 nhưng vẫn tham gia vào các vấn đề thương mại với tư cách phụ tá cho đảng Dân chủ tại quốc hội.
Tai giành được nhiều lời khen ngợi vì giúp đàm phán các điều khoản về quyền lao động bổ sung vào thỏa thuận thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico dưới thời tổng thống Trump.
Trong vai trò mới, Tai có thể sẽ tập trung vào Trung Quốc, nơi cha mẹ bà sinh ra và là nơi bà từng dạy tiếng Anh vào những năm 1990.
Tai từng nhận xét chiến lược kinh tế của chính quyền Trump dựa quá nhiều vào các biện pháp "mang tính phòng thủ", như hàng rào thuế quan.
"Chủ động tấn công là những gì chúng ta cần làm để bảo vệ bản thân, người lao động, các ngành công nghiệp Mỹ cũng như đồng minh một cách mau lẹ, nhanh chóng hơn... và trên hết là nhằm bảo vệ nền Dân chủ cởi mở này", Tai nói tại một sự kiện hồi tháng 8 năm ngoái. "Nó không chỉ liên quan đến kinh tế và các giá trị kinh tế mà còn liên quan đến chính trị và những giá trị rộng lớn hơn của chúng ta".
Vũ Hoàng (Theo BBC)
Tổng thống Biden ban hành văn bản cấm dùng từ ‘virus Trung Quốc’
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm đề cập đến COVID-19 theo vị trí địa lý, sau khi các cụm từ như "virus Trung Quốc" ... |
Lần đầu điện đàm với Tổng thống Putin sau nhậm chức, ông Biden nói gì?
Hôm 26/1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm lần đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi đắc cử. |