Ngày 26-9-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị |
Chính phủ cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể đề xuất của doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể. Thủ tướng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. “Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, nhân dân” - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Chúng ta đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới. Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến tình hình doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có khỏe thì nền kinh tế mới mạnh. Chính phủ mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những chính sách sát thực tế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Chính phủ cũng đã có nhiều cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, khảo sát khó khăn của doanh nghiệp để có những thông tin và những chỉ đạo kịp thời. Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
- 81% doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời;
- 89% doanh nghiệp nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp;
- 81,4% doanh nghiệp cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã hiệu quả.
(Nguồn: Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI khảo sát Nghị quyết 105 của Chính phủ ngày 9-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19)
Đầu tháng 9, Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành với loạt điểm mới được các doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn họ đang phải đối mặt, để thích ứng dần với tình hình dịch bệnh. Dự báo tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp cụ thể để vừa chống dịch vừa ổn định nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh sớm nhất.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Nghị quyết bao gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 4 nhóm chính: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. “Nhìn chung, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết. Các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ theo quy định” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị |
Cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện sản xuất an toàn trong tình hình mới
Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ… Trước những khó khăn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP. Đặc biệt, Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.
Về phía các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần xây dựng, công bố kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa, cũng như cùng doanh nghiệp thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch và điều kiện thực tế; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
“Nếu chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân. Một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn. Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân:
- Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; - Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; - Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; - Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện… - Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; - Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; - Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… |