Bộ Công Thương đề xuất áp dụng song song giá điện bậc thang và điện một giá cho người dân lựa chọn sử dụng. Song, mức giá điện một giá có thể lên tới gần 3.000 đồng/kWh.
Khi tiếp cận bản dự thảo này, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, ông không bất ngờ khi thấy mức giá một giá cho sinh hoạt cao hơn hẳn so với mức giá bán lẻ trung bình.
Ông Sơn chia sẻ: Trong các phỏng vấn trước đó tôi đã nói rằng biểu giá điện một giá cho sinh hoạt phải được tính trên cơ sở các kịch bản chọn lựa phương án của các nhóm hộ tiêu dùng khác nhau, và có tính dự phòng tất cả các chi phí phát sinh. Đó là lý do vì sao Bộ đưa ra đề xuất mức giá khá cao, cao hơn khoảng 10-15% con số tôi ước tính trước đó. Nếu tính toán kỹ sẽ thấy rằng với mức giá điện một giá này, người nghèo không được lợi gì cả. Chủ yếu người lựa chọn phương án này là người sử dụng rất nhiều điện.
Ông Sơn phân tích thêm, việc lựa chọn mức 700 kWh/tháng cũng cho thấy Bộ Công Thương đã cân nhắc mức tiêu dùng trung bình của nhóm hộ trung lưu, và theo tính toán sơ bộ ở mức tiêu dùng tới 700 kWh/tháng thì tiền điện chi trả trong mọi phương án đề xuất đều ngang bằng hoặc thấp hơn chút ít so với mức đang áp dụng hiện tại.
Khi sử dụng ở mức vượt trên 700 kWh/tháng thì người dùng có lợi hơn nếu lựa chọn mức giá điện một giá. Còn người dùng dưới 700 số điện một tháng thì thiệt hơn nếu chọn phương án một giá điện, và do đó sẽ có xu hướng chọn phương án giá bậc thang như cũ.
Đáng chú ý, dự thảo đã xem xét đưa ra khung thời gian tối thiểu khi khách hàng chuyển từ mức giá bán lẻ điện 5 bậc sang mức giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu đăng ký thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán). Điều này đảm bảo cho ngành điện dự báo nhu cầu tiêu thụ điện cũng như đảm bảo chi phí sản xuất cung ứng điện năng nằm trong ngưỡng kiểm soát được, thay vì liên tục phải điều chỉnh hợp đồng và hồ sơ khách hàng.
Khi giá điện một giá được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến với mức giá gần 3.000 đồng/kWh, nhiều phản hồi của độc giả nói rằng Bộ đang ép người dùng phải dùng giá điện bậc thang. Vậy theo ông mức giá điện một giá Bộ Công Thương đưa ra có phù hợp với bối cảnh Việt Nam không?
- Trong biểu giá bậc thang đề xuất thì mức giá bậc 4 cũng chỉ tương đương với mức cao nhất (bậc 6) của biểu giá cũ, và chỉ có mức giá bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên mới bị áp giá cao với mục đích kiềm chế tiêu thụ nhiều điện năng. Còn với mức giá một giá thì nằm trong khoảng giữa bậc 4 và bậc 5 của biểu giá điện sinh hoạt cũ, nên cũng không thể coi là “ép người dùng chọn biểu giá bậc thang”, vì các hộ tiêu dùng nhiều điện sinh hoạt vẫn có quyền lựa chọn phương án phù hợp cho gia đình mình.
Ở đây rõ ràng có thông điệp chính sách liên quan tới việc tiết kiệm điện. Tại sao đưa ra mức điện một giá cao như vậy? Lý do là khi thiết kế biểu giá chúng ta không biết là những ai sẽ đăng ký sử dụng giá điện một giá này, và liệu có phải toàn bộ nhóm hộ tiêu thụ trên 700 kWh/tháng sẽ lựa chọn phương án một giá hay không.
Hiện nay lượng khách hàng dùng ở mức 400 số trở lên chỉ chiếm khoảng 11% tổng các hộ tiêu dùng điện sinh hoạt, nên nếu áp mức một giá thấp thì sẽ kích thích nhóm khách hàng này tiêu dùng điện nhiều lên. Trong nhóm khách hàng sử dụng dưới 400 số cũng lại có động lực để tiêu thụ nhiều điện hơn, nghĩa là các mục tiêu về sử dụng giá điện để tiết giảm nhu cầu tiêu dùng điện năng, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ không đạt được.
Cho nên, việc đưa ra mức giá kể trên có thể là tín hiệu thử nghiệm của Bộ Công Thương để xem phản ứng xã hội và xem mức quan tâm của các bên liên quan đến đâu. Nên nhớ đây mới là dự thảo lần 1, chưa hẳn là bản cuối cùng. Trên cơ sở phản hồi, tính toán sơ bộ của các nhóm khác nhau, Bộ có thể có sự điều chỉnh các phương án biểu giá này, sau khi xác định được các nhóm thực sự quan tâm và đăng ký dùng điện một giá.
Ở phương án áp dụng song song biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang và điện một giá, bậc 5 là bậc cao nhất của kịch bản 1 có mức giá lên tới hơn 5.108 đồng/kWh. Còn ở kịch bản 2, bậc 5 có mức giá thấp hơn là hơn 3.449 đồng/kWh. Tính toán sơ bộ, ở kịch bản 1 số tiền phải trả hàng tháng giữa người dùng điện bậc thang có chênh lệch đáng kể so với người dùng điện 1 giá, còn ở kịch bản 2 mức chênh lệch không nhiều như kịch bản 1. Ông có nhận xét gì về điều này?
- Việc đưa ra quá nhiều phương án biểu giá nhưng không nêu rõ mục tiêu cần đạt được của mỗi phương án là gì cũng gây khó khăn cho quá trình tham vấn chính sách.
Vấn đề ở đây không phải là giá cao hay thấp. Ví dụ khi xem xét kịch bản 1 đặt ra ở bối cảnh thiếu điện, phải nhập khẩu, mua điện giá cao, thì mục tiêu cần đạt được là làm sao tiết giảm tối đa nhu cầu, để người dân tự giác cắt giảm lượng điện tiêu thụ. Còn trường hợp các yếu tố đầu vào ổn định, trong tầm khống chế thì Bộ Công Thương hoàn toàn có thể áp dụng một kịch bản thứ 2, cho phép người dân được tiêu dùng ở mức độ phù hợp. Việc lựa chọn kịch bản nào không phụ thuộc vào Bộ Công Thương mà phụ thuộc nhiều vào cung cầu điện năng.
Tiếc là các mục tiêu đề ra khi xây dựng phương án 2A và 2B không được tường minh để người dân có thể hiểu được và hợp tác tốt với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Việc áp dụng giá điện một giá song song với giá điện bậc thang, người dân có quyền lựa chọn sử dụng biểu giá điện nào dường như chỉ là giải pháp để thỏa mãn mong muốn một số bộ phận người dân?
- Cái tôi kỳ vọng không phải là điện một giá. Điều tôi kỳ vọng là ban hành một cơ chế song song giữa điện bậc thang và việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày tương ứng với các giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường.
Điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý phụ tải trong giờ cao điểm. Dù đã có định hướng, chỉ đạo về lắp công tơ 3 giá cho các hộ gia đình nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai được. Hy vọng chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ban hành giá điện bậc thang và công tơ 3 giá.
Xin cảm ơn ông!
Dự thảo biểu giá điện mới: Dùng trên 201kWh, khách hàng thiệt hơn hiện tại |
Ai thiệt, ai lợi khi tính điện một giá |
Bán lẻ điện 1 giá: Ai hưởng lợi? |