Dấu ấn của những bà mẹ

Dấu ấn của những bà mẹ

Lên ngôi không hẹn trước

Ở Giải Boxing vô địch quốc gia 2021 vào đầu tháng 12 này ở Bắc Ninh, giới chuyên môn không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cuộc lên ngôi của tay đấm đã lên chức mẹ Nguyễn Thị Thu Hảo (TP Hồ Chí Minh) ở hạng 45kg nữ. Cuộc đấu chung kết với tay đấm trẻ giàu tiềm năng Vương Thị Hường (Hà Nội) tưởng sẽ mang đến thất bại cho tay đấm sinh năm 1989, từng nghỉ thi đấu tới gần 7 năm này. Nhưng rồi cô vẫn thi đấu lạnh lùng, điềm tĩnh để rồi giành chiến thắng trước đối thủ trẻ hơn đến cả chục tuổi.

Đó thực sự là bất ngờ của giải đấu. Và càng bất ngờ hơn khi chỉ trước giải 3 tháng, Nguyễn Thị Thu Hảo mới đeo găng tập luyện trở lại. Đó là giai đoạn mà lực lượng thi đấu hạng 45kg nữ của TP Hồ Chí Minh đều gặp vấn đề sức khỏe, trong đó có 2 VĐV mắc COVID-19. Còn Thu Hảo cũng đã treo găng tới 7 năm sau thất bại ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014 ở Nam Định. Sau đó, người ta chỉ thấy cô trong vai trò săn sóc viên cho các tay đấm nữ của TP Hồ Chí Minh. Và tưởng như cô sẽ chỉ gắn bó với vai trò này. Trong tình cảnh đội nhà thiếu người như vậy, Thu Hảo quyết định đăng ký thi đấu cho vui cũng nhằm động viên tinh thần các VĐV khác của đội.

Tiếng là đăng ký cho vui nhưng cô cũng tập luyện theo đúng giáo án. Đó cũng là khoảng thời gian phải vượt qua những mệt mỏi, những thách thức về giới hạn chịu đựng của cơ thể, vốn đã không tập luyện với cường độ cao, khối lượng lớn trong gần 7 năm.

Vậy nhưng khi biết kết quả bốc thăm, thấy có cơ hội tranh huy chương nên cô vào trận với quyết tâm cao nhất. Đoạn đường sau đó thực sự là câu chuyện đáng nhớ và gây ấn tượng mạnh. Và đọng lại sau cùng là tấm HCV ở hạng 45kg nữ của bà mẹ 1 con này. Có thể hành trình đến chức vô địch năm nay có chút may mắn nhưng rõ ràng, đó là tấm HCV xứng đáng, nhất là nhìn vào những nỗ lực chuẩn bị đầy khó khăn, nhọc nhằn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh. Cô cũng hé lộ khả năng tiếp tục thi đấu dù biết rằng sẽ phải đổ nhiều mồ hôi hơn để đứng vững trước sự cạnh tranh của các đàn em.

Dấu ấn của những bà mẹ  -0

Võ sĩ Hà Thị Nguyên trên sàn đấu ở Giải Taekwondo vô địch quốc gia 2021.

Lên ngôi để khẳng định khả năng

Tại Giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2021 cũng vào nửa đầu tháng 12 này, trong những VĐV đã lên chức mẹ tham gia thi đấu thì nhà vô địch ASIAD 19 năm 2018 nội dung nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo và nhà vô địch SEA Games 30 năm 2019 nội dung 400m Nguyễn Thị Huyền vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả.

Đam mê là thứ thấy rõ nhất ở cả hai và tố chất thể thao trời cho cũng là điều đáng kể. Bùi Thị Thu Thảo trở lại hố nhảy vào giữa năm nay sau quãng thời gian nghỉ thi đấu để thực hiện thiên chức làm mẹ là điều đã được dự báo bởi cô gái này chưa bao giờ hết khát vọng giành huy chương. Vấn đề là cô sẽ thể hiện khả năng ra sao.

Những người gần gũi với cô trong quãng thời gian tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội kể rằng, chỉ vài tháng sau khi tập lại, Thảo đã đạt mức 6,2-6,3m. Và cứ giữ được mức này trong thi đấu thì cô sẽ giành HCV tại Giải vô địch toàn quốc. Cuối cùng, cô gái người Ba Vì (Hà Nội) đã chứng tỏ bản lĩnh. Một ngày trước khi bước vào tranh tài, cô bất ngờ đau chân giậm nhảy khiến Ban huấn luyện thon thót lo và tìm mọi cách để giảm đau cho cô.

Vượt qua nỗi đau ấy, Bùi Thị Thu Thảo vẫn đạt mức 6,27m để lên ngôi vô địch ngay trong năm đầu tiên trở lại thi đấu sau khi làm mẹ. Đó thực sự là đẳng cấp của một nhà vô địch ASIAD. Và đó cũng là động lực để cô tự tin tranh chấp tấm HCV SEA Games 31 cũng như tấm huy chương ASIAD, Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra trong năm 2022 như mục tiêu đặt ra khi cô quay lại tập luyện.

Còn ở đường chạy 400m và 400m rào, chân chạy người Nam Định Nguyễn Thị Huyền vẫn chứng tỏ vị trí số 1 ở Việt Nam bằng việc lên ngôi vô địch cá nhân cả hai nội dung trên. Nhìn cảnh Huyền băng băng về đích cũng chẳng ai bất ngờ khi cô gái này đã chứng tỏ nghị lực trong vài năm qua để vừa tập luyện, vừa lo chuyện gia đình, con cái. Đã vậy, trước giải năm nay, Nguyễn Thị Huyền và các đồng đội chỉ tự tập theo giáo án của HLV Vũ Ngọc Lợi, vốn không thể chỉ đạo trực tiếp các học trò vì lý do sức khỏe. Nhưng Nguyễn Thị Huyền vẫn chứng tỏ là cánh chim đầu đàn của đội chạy 400m của Nam Định khi ngoài việc giành 2 HCV cá nhân còn giành HCV đồng đội 400m nữ.

Ở môn Taekwondo, câu chuyện trở lại của nhà vô địch SEA Games năm 2017 Hà Thị Nguyên cũng đầy ấn tượng và khá bất ngờ. Vốn đã chuyển sang huấn luyện lứa trẻ của đội Taekwondo Hà Nội và cũng bận rộn với cô con gái mới hơn 1 tuổi, song khi đội cần người để bảo đảm mục tiêu huy chương thì Hà Thị Nguyên sẵn sàng quay trở lại. Thực tế, bà mẹ một con sinh năm 1990 này vẫn còn khả năng thi đấu và sân chơi quốc nội vẫn luôn vừa sức với cô.

Đơn giản, ngoài khả năng, trình độ chuyên môn thì cái uy của một võ sĩ đã 3 lần vô địch SEA Games, từng giành HCĐ ASIAD năm 2014 hoàn toàn có thể lấn át bất kỳ võ sĩ nào. Cũng vì thế, khi bộ môn Taekwondo Hà Nội động viên, lập tức Hà Thị Nguyên trở lại tập luyện. Như cô từng chia sẻ là trở lại tập luyện với cường độ cao ở một môn đối kháng hoàn toàn không đơn giản. Nhưng trách nhiệm với đơn vị chủ quản và sự động viên của gia đình đã tạo động lực để cô thực hiện nhiệm vụ.

Lần trở lại thi đấu ở Giải vô địch quốc gia 2021 vừa qua, Hà Thị Nguyên được đưa lên hạng 75kg, hạng cân nặng nhất trong các hạng thi đấu đối kháng nữ. Đó cũng không phải là áp lực ghê gớm với Hà Thị Nguyên và như đánh giá của Trưởng bộ môn Taekwondo (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Hồ Anh Tuấn thì cô đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ như những lần trước đó. Đây cũng là lần đánh giá năng lực của cô để tính toán cho việc tranh chấp huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022. Và với phong độ như hiện nay, Hà Thị Nguyên đương nhiên được xem như một ứng cử viên cho tấm HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, sân chơi vốn được các địa phương, ngành tại Việt Nam đặc biệt coi trọng.

Những bà mẹ giành HCV tại những giải quốc nội vừa qua thêm một lần chứng tỏ sự cuốn hút và nét đẹp của thể thao. Nên sẽ không thừa khi nhắc đến gia đình, với những người thân, người chồng sẵn sàng chia sẻ việc chăm sóc con cái để làm điểm tựa cho họ yên tâm tập luyện. Đấy cũng là chia sẻ mà Bùi Thị Thu Thảo, Hà Thị Nguyên, Nguyễn Thị Huyền… từng nhắc đến khi giành những tấm HCV quý giá ở những giải vừa qua. Như nhìn nhận của giới chuyên môn, những bà mẹ trên ít nhất cũng còn gắn bó với sân đấu, sàn đấu của mình ít nhất cho đến khi kết thúc Đại hội Thể thao toàn quốc vào cuối năm sau. Sau đó như thế nào rồi sẽ tính tiếp. Và cũng không loại trừ lại có người tiếp tục cuộc chơi với tư cách VĐV…

Không giành “vàng” vẫn đáng nể

Ngay ở những giải vô địch quốc gia vừa diễn ra, cũng có một số VĐV khác đã lên chức mẹ dù không giành HCV nhưng cũng gây ấn tượng mạnh. Trong đó có trường hợp tay vợt bóng bàn Nguyễn Thị Nga (Hà Nội). Không giành HCV và thành tích cao nhất là HCB đôi nữ, đôi nam nữ nhưng tay vợt này vẫn xứng đáng là chủ lực của đội nữ Hà Nội.

Minh Khuê

Minh Hà

Dấu ấn Chelsea 1-0 Man City: HLV Pep Guardiola mắc sai lầm, Kante hay nhất trận Dấu ấn Chelsea 1-0 Man City: HLV Pep Guardiola mắc sai lầm, Kante hay nhất trận
Timo Werner lập tức đặt dấu ấn khi ra mắt Chelsea Timo Werner lập tức đặt dấu ấn khi ra mắt Chelsea

/ cand.com.vn