Trung Quốc đại lục "chìa tay" giữa lúc Đài Loan phải hối hả tìm nguồn cung vaccine Covid-19, nhưng hòn đảo khó có thể gật đầu.
Sau khi ngăn chặn Covid-19 thành công đến mức được coi là một hình mẫu chống dịch trên thế giới, Đài Loan giờ đây hứng chịu đợt bùng phát nghiêm trọng đầu tiên, bắt đầu từ khoảng giữa tháng trước. Khi đó, hòn đảo mới ghi nhận tổng cộng hơn 1.500 ca nhiễm và 12 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, các con số sau đó tăng vọt. Riêng ngày 1/6, Đài Loan đã ghi nhận 13 người chết vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 137, cùng 327 ca nhiễm cộng đồng mới. Tổng số ca nhiễm nCoV tại hòn đảo hiện nay là hơn 8.800, bao gồm hơn 7.600 ca cộng đồng.
Trong khi đó, rất ít người dân có "lá chắn vaccine" trước virus. Số người đã tiêm chủng Covid-19 chỉ chiếm chưa đến 2% trong số hơn 23 triệu dân. Tính đến tuần trước, Đài Loan mới nhận được hơn 700.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, tất cả đều thông qua chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Để chống lại làn sóng đại dịch mới, giới chức Đài Loan nhận ra rằng họ cần nhiều vaccine hơn, một cách khẩn trương. Trong một chương trình phát sóng trực tiếp hôm 31/5, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết giữa lúc nguồn cung vaccine thiếu hụt trên toàn cầu và đại dịch vẫn nghiêm trọng, chính quyền vẫn nỗ lực để hòn đảo sớm nhận được gần 20 triệu liều vaccine đã đặt hàng.
Một người mặc đồ bảo hộ đi trên đường tại Đài Bắc, Đài Loan, hôm 2/6. Ảnh: Reuters. |
"Mọi cấp chính quyền, bao gồm cả tôi, mỗi ngày đều theo dõi sát sao gần 20 triệu liều vaccine đã được đặt hàng, để chúng có thể được vận chuyển nhanh chóng nhất có thể và đến nơi sớm hơn", bà phát biểu, nói thêm rằng giới chức sẽ làm việc chăm chỉ cùng những đơn vị ngoài chính quyền để mua nhiều vaccine hơn.
Trước đó, lãnh đạo cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung cho biết 2 triệu liều vaccine sẽ đến trong tháng 6, tiếp đó là 10 triệu liều vào cuối tháng 8. Tiêu Mỹ Cầm, đại diện Đài Loan tại Mỹ, cũng tích cực thảo luận với phía Washington và kêu gọi nước này hỗ trợ hòn đảo nhanh chóng tiếp cận nguồn cung vaccine.
Trên thực tế, Đài Loan không cần tìm kiếm sự trợ giúp ở đâu xa. Một loạt phát ngôn viên của Trung Quốc đại lục tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp cho hòn đảo số vaccine mà họ cần. Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh hôm 24/5 bày tỏ lo lắng về tình hình Covid-19 trên hòn đảo, cho biết họ sẵn lòng thu xếp các lô vaccine và cử chuyên gia đến hỗ trợ phòng chống dịch.
"Thái độ của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi sẵn sàng thu xếp nhanh chóng để đại đa số đồng bào Đài Loan có vaccine đại lục, sử dụng càng sớm càng tốt. Nếu cần thiết, chúng tôi cũng sẵn sàng xem xét cử chuyên gia phòng chống dịch sang Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm chống dịch", văn phòng cho hay.
Mặc dù vậy, xét về mặt chính trị, Đài Bắc không dễ dàng gật đầu. Theo chính sách "Một Trung Quốc", Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và có thể dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết, trong khi bà Thái không thừa nhận chính sách này.
Tới nay, chính quyền hòn đảo vẫn nói không với Bắc Kinh. Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC) cho biết Trung Quốc không sử dụng bất kỳ kênh nào hiện có giữa hai bên để cung cấp thông tin vaccine, đồng thời ngụ ý Bắc Kinh gây khó khăn cho việc thúc đẩy tiêm chủng trên hòn đảo.
Giáo sư Steve Tsang tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở London, Anh, đánh giá Đài Loan đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. "Đây là tình huống Trung Quốc không thể thua và Đài Loan không thể thắng", ông nhận xét.
Theo phân tích của Tsang, nếu chấp nhận vaccine Trung Quốc đại lục cung cấp, Đài Loan có thể khiến người dân tại đây cảm giác như Bắc Kinh có khả năng lo liệu cho họ tốt hơn giới lãnh đạo của hòn đảo. Tuy nhiên, nếu từ chối, Đài Bắc lại có nguy cơ "mang tiếng" coi thường sức khỏe người dân.
"Trong trường hợp đó, hình ảnh của Đài Loan có thể bị tổn hại thực sự", Tsang nhận định. Ngoài ra, còn có những áp lực nội bộ buộc bà Thái chấp nhận đề nghị giúp đỡ của Trung Quốc.
Hồng Tú Trụ, thành viên cấp cao trong đảng đối lập Quốc dân đảng (KMT), gần đây gửi thông điệp đến bà Thái rằng kẻ thù thực sự là virus, không phải Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi lãnh đạo hòn đảo tiếp nhận vaccine Trung Quốc sớm nhất có thể.
Sức ép còn đến từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, với các bài viết chỉ ra những khó khăn của bà Thái. Tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, từng đăng một bài có tiêu đề cáo buộc lãnh đạo Đài Loan phớt lờ lòng tốt của đại lục.
Để phản bác lại, bà Thái cáo buộc "sự can thiệp từ Bắc Kinh" khiến hòn đảo chưa hoàn tất được thủ tục mua vaccine Covid-19 của hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech, dù hợp đồng đã gần hoàn thành. "Chúng tôi không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài vào công tác đưa vaccine đến Đài Loan, đồng thời phản đối những nỗ lực lợi dụng nguồn cung vaccine vì mục đích chính trị", bà phát biểu hôm 26/5.
Giáo sư Tsang đánh giá bà Thái đang muốn tạo ra ấn tượng rằng Bắc Kinh là một trở ngại, không phải người giúp đỡ. Ông còn bày tỏ niềm tin lãnh đạo Đài Loan sẽ vượt qua thử thách này, bất kể xử lý tình huống "tiến thoái lưỡng nan" ra sao, một phần bởi nhiều người Đài Loan không muốn tiêm vaccine Trung Quốc, vì lo lắng về mức độ an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, Tsang cho rằng Đài Loan có thể kiểm soát đợt bùng dịch mới, từ đó giúp bà Thái tránh được tổn hại chính trị lâu dài do vấn đề về vaccine.
Ánh Ngọc (Theo BBC)
Chi tiết 120 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam trong năm 2021 |
Biden kêu gọi người dân tiêm vaccine, uống bia |
20 triệu liều vaccine Sputnik V sắp về Việt Nam |