Cuộc đời tu nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch lúc 3h22 ngày 21/10 tại Viên Minh cổ tự sau hơn 85 năm hạ lạp, hưởng thọ 105 tuổi.

Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch lúc 3h22 ngày 21/10 (tức 16/9 năm Tân Sửu) tại Viên Minh cổ tự hay còn gọi là chùa Giáng (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Năm nay, Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ tròn 105 tuổi đời, hạ lạp 85 năm.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh ngày 12/4/1917, tại thôn Phùng Thiện (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), là trụ trì chùa Giáng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ chưa từng học qua một trường lớp chính quy nào. Tất thảy vốn kiến thức có được đều nhờ kiên trì tự học và là vị giáo phẩm nổi tiếng uyên thâm về Phật học và Hán học.

Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ
Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ

Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ xuất gia từ năm 6 tuổi tại chùa ở quê nhà, ngài không chỉ là một vị cao tăng đức trí vẹn toàn mà còn là một nông dân giản dị.

Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh Bùi Văn Quý (SN 1917, tại xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Năm 1923, Trưởng lão Hoà thượng xuất gia tại chùa Quán (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Khi 8 tuổi, ngài thụ Sa di giới.

Năm 1934, Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ bắt đầu tu học tại chùa Viên Minh (tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội). Năm 1937, Trưởng lão Hoà thượng thọ giới Tỳ kheo do Hoà thượng Thích Quảng Tốn làm Hòa thượng đàn đầu. Từ năm 1953 đến 1958, ngài tu học và hoằng pháp tại chùa Kim Đới (TP Hải Phòng).

Từ tháng 10/1958 đến nay, Trưởng lão Hoà thượng trụ trì chùa Viên Minh (chùa Giáng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trên đường tu học, dấu chân của Hoà thượng trải khắp các tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua những ngày quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ, Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ vẫn một lòng son sắt với cửa Phật.

Sự nghiệp phiên dịch kinh sách, trước tác của Đức Trưởng lão Hoà thượng nổi bật với các tác phẩm: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập, Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…

Từ năm 1987 đến nay, Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ giữ nhiều chức vụ trong Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Tổ đình Viên Minh Hà Tây; Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây; Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây; Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường Trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng ban Giáo dục tăng ni Trung ương; Phó ban Ban Tăng sự Trung ương; Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ngài từng kinh qua Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VI (2007), Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành Pháp chủ thứ ba của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sau Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch).

Ngày 24/11/2012, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII thống nhất tái suy tôn Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông là vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức trí vẹn toàn, được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đến nay đã 80 năm, Hoà thượng an trụ ở chùa Giáng - tên dân dã của Viên Minh cổ tự (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) nên được Phật tử mọi miền gọi là Tổ Giáng.

Đối với người dân trong vùng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ với đức tính hay lam hay làm, cần cù và giản dị. Bởi, suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Hòa thượng luôn cùng môn đệ xắn tay cày cấy nuôi thân, đến 80 tuổi mới thôi.

Ngoài 80 tuổi, dù không còn ra đồng trồng lúa được nữa, nhưng hàng ngày, Trưởng lão Hoà thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.

Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch ngày 21/10, trụ thế 105 năm.
Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch ngày 21/10, trụ thế 105 năm.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát thông báo tin buồn và thông tin chi tiết lễ nhập quan, lễ viếng, lễ truy điệu Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ. Lễ nhập kim quan sẽ được cử hành lúc 13h cùng ngày. Kim quan được tôn trí tại Tổ đình Viên Minh.

Lễ viếng chính thức từ 7h ngày 22/10 đến hết 23/10 (tức 17- 18/9 năm Tân Sửu).

Lễ truy điệu Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được cử hành lúc 9h ngày 24/10 (19/9 năm Tân Sửu), sau đó cung thỉnh kim quan Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Viên Minh.

Phóng viên (t/h)

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm: Tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse chống dịch Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm: Tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse chống dịch
Hòa thượng Thích Huệ Đăng: Kỳ nhân xứ sương mù Hòa thượng Thích Huệ Đăng: Kỳ nhân xứ sương mù
Tác giả bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, qua đời ở tuổi 94 Tác giả bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, qua đời ở tuổi 94
Tại sao lại gọi là Đại đức, Thượng tọa và Hòa thượng? Tại sao lại gọi là Đại đức, Thượng tọa và Hòa thượng?

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống