Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Suga khẳng định Nhật Bản quan tâm đến tình hình an ninh ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông.
“Điều quan trọng là phải cho thấy chúng tôi nhấn mạnh và quan tâm hơn đến khu vực. Nhật Bản quan tâm đến tình hình an ninh ở khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông”, Reuters dẫn lời cựu nhà ngoại giao Nhật Bản Kunihiko Miyake, hiện là Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Suga.
Cố vấn đặc biệt Thủ tướng Suga đưa ra bình luận trong bối cảnh lãnh đạo Nhật Bản chuẩn bị có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam và Indonesia vào tuần tới. Chyến thăm của ông Suga sẽ hướng đến mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với các đối tác trong khu vực, diễn ra vào thời điểm mà các quan ngại về các hành động quyết đoán của Bắc Kinh trong khu vực ngày càng gia tăng.
Thủ tướng Nhật Bản Suga. (Ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ tiếp bước người tiền nhiệm Shinzo Abe bằng cách chọn hai quốc gia Đông Nam Á trở thành điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức vào tháng 9.
Theo Reuters, mặc dù có những lo ngại về an ninh song Nhật Bản phải tìm cách cân bằng mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Dưới thời Thủ tướng Abe, một số nghị sĩ đảng LDP cầm quyền muốn Nhật Bản phải có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Theo ông Scott Harold, Phó giám đốc Trung tâm chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức nghiên cứu Rand, cách tiếp cận của Nhật Bản là kiên định, bình tĩnh và thúc đẩy lợi ích của nước này mà không đưa ra điều kiện yêu cầu các nước phải có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Trong khi đó, TS Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS của Singapore, cho rằng: “Tăng cường hợp tác quốc phòng sẽ là ‘điểm chính’ trong chuyến đi của ông Suga tới Việt Nam sau chuyến ghé thăm căn cứ hải quân Cam Ranh tuần trước của 3 tàu Nhật Bản”.
Chuyến đi của ông Suga diễn ra sau cuộc họp tuần trước tại Tokyo của “Bộ tứ” (QUAD) gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ. QUAD được Washington coi như một bức tường thành ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh cũng đã cáo buộc “Bộ tứ” là một “NATO nhỏ” nhằm kiềm chế nước này.
Cuộc chiến pháp lý Biển Đông: Trung Quốc nguy cơ bị cô lập ở khu vực và thế giới |
Đại sứ Đức nói về công hàm Biển Đông phản đối yêu sách của Trung Quốc |