Có nên tiêm kết hợp nhiều loại vaccine COVID-19?

Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây khuyến cáo không tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa Covid-19 từ những nhà sản xuất khác nhau và gọi đây là "xu hướng nguy hiểm".

Trong bối cảnh khan hiếm vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia đang xem xét chuyển sang kết hợp các loại vaccine Covid-19 khác nha. Như tại Canada, từ đầu tháng 6 nước này đã cập nhật hướng dẫn và khuyến nghị rằng có thể tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca và mũi hai là vaccine Moderna hoặc Pfizer.

Theo Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada, những loại vaccine này có thể được sử dụng thay thế cho nhau khi không có sẵn liều thứ hai của cùng một loại vaccine và các nghiên cứu tại Anh, Tây Ban Nha hay Đức đã cho thấy việc kết hợp vaccine là an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Một số quốc gia khác cũng đã áp dụng cách trộn và kết hợp ở một mức độ nào đó.

Về việc có thể tiêm 2 loại vaccine Covid-19 hay không, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, một số nước tiến hành tiêm trộn như mũi 1 của AstraZeneca, mũi 2 của Pfizer với mong muốn tăng hiệu quả bảo vệ.

Bà Hồng cho biết, hiện nhà sản xuất và WHO đều khuyến cáo tốt nhất tiêm cùng một loại vaccine đủ 2 liều. Trong trường hợp ở thời điểm thiếu vaccine, người dân có thể buộc phải tiêm một loại vaccine khác với mũi thứ nhất nhưng cần theo dõi sức khỏe sát sao. "Các vaccine này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau, sau khi tiêm mũi 1 là 70%, mũi 2 là 80-90%. Vì vậy, người dân không nên có tâm lý chờ đợi loại vaccine khác"- bà Hồng chia sẻ.

Theo PGS Hồng, thời điểm giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai tùy thuộc vào loại vaccine Covid-19 bạn đã tiêm. Nếu vaccine Covid-19 là của Pfizer-BioNTech, Moderna, Sinopharm, bạn nên tiêm mũi thứ hai ít nhất khoảng 3-4 tuần sau mũi đầu tiên. Đối với vaccine Covid-19 của AstraZeneca, bạn nên tiêm mũi thứ hai sau 8-12 tuần là lý tưởng nhất.

Bà Hồng cũng cho biết, Bộ Y tế đang tổ chức 700 đầu cầu tập huấn về tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm và sắp tới là Sputnik V.

Một số quốc gia như Đức, Bahrain, Canada, Indonesia, Italia, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Đức cân nhắc hoặc đã chọn cách tiếp cận tiêm kết hợp vaccine COVID-19 của các hãng khác nhau.

Dẫn đầu xu hướng kết hợp vaccine là Thái Lan. Thay vì tiêm hai mũi Sinovac, giờ đây người dân được tiêm 1 liều vaccine AstraZeneca sau mũi tiêm Sinovac đầu tiên. Các nhân viên y tế nếu đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi Sinovac sẽ được tiêm nhắc lại lần thứ ba là một loại vaccine khác.

Giới chức Đức cũng chỉ định người được tiêm liều vaccine đầu tiên của Hãng AstraZeneca "nên tiêm liều thứ hai là vaccine mRNA, như vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, bất kể tuổi tác". Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tiêm mũi vaccine thứ hai của Moderna sau khi tiêm mũi đầu của AstraZeneca.

Việc lựa chọn tiêm kết hợp giữa các loại vaccine để ngừa Covid-19 được cho là dựa trên 1 số nghiên cứu tức thời cho rằng, sẽ tạo ra hiệu quả vượt trội so với khi tiêm hai liều vaccine cùng loại.

Kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu của Đại học Oxford được công bố mới đây cho thấy việc kết hợp vaccine Pfizer-BioNtech và AstraZeneca Covid-19 có thể làm tăng tần suất các tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình. Nhưng những triệu chứng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài không quá vài ngày, và không có trường hợp nhập viện hoặc lo ngại về an toàn khác.

Tuy nhiên, tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học WHO, khuyến cáo không tiêm kết hợp các loại vắc xin COVID-19 từ những nhà sản xuất khác nhau. Bà gọi đây là "xu hướng nguy hiểm", vì hiện có ít dữ liệu về tác động của phương pháp này tới sức khỏe.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một số quốc gia như Đức, Thái Lan... chọn cách tiếp cận tiêm kết hợp vắc xin COVID-19 của các hãng khác nhau.

PV (th)

124 triệu liều vaccine COVID-19 sắp về Việt Nam: Bộ Y tế phân bổ thế nào? 124 triệu liều vaccine COVID-19 sắp về Việt Nam: Bộ Y tế phân bổ thế nào?
Nguồn gốc 105 triệu liều vaccine đã được Việt Nam đặt mua và có cam kết hỗ trợ Nguồn gốc 105 triệu liều vaccine đã được Việt Nam đặt mua và có cam kết hỗ trợ
Trung Quốc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi Trung Quốc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi
/ Nghề nghiệp và cuộc sống