Biên giới Belarus - Ba Lan đã trở thành tâm điểm của châu Âu những ngày vừa qua, sau khi hàng chục nghìn người di cư Trung Đông mắc kẹt tại khu vực này. Tuy nhiên, ngày 18/11 (giờ Việt Nam), giới chức Belarus đã dùng xe buýt đưa người di cư rời khu lều tạm ở biên giới tới nơi có điều kiện hậu cần tốt hơn.
Động thái nêu trên cùng việc Tổng thống Alexander Lukashenko và Thủ tướng tạm quyền Đức Angela Merkel nhất trí đàm phán “ngay lập tức” về cuộc khủng hoảng này ở cấp độ giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) đã mở ra cơ hội làm giảm leo thang căng thẳng.
Euronews dẫn lời Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik ngày 18/11 cho biết, khu cắm trại gần cửa khẩu biên giới Bruzgi-Kuznica, vùng Grodno, thuộc Belarus đang dần thưa người. Video do lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan đăng tải trên Twitter cho thấy, nhà chức trách Belarus đang đưa những người di cư mang theo ba lô và túi xách rời khỏi khu vực biên giới.
Theo hãng thông tấn Belta của Belarus, người di cư sẽ được di chuyển về một trung tâm hậu cần để họ có thể ngủ trong nhà thay vì ở những lều trại tạm bợ ngoài trời dưới thời tiết giá lạnh. Bước đi này được tiến hành ngay sau cuộc điện đàm cấp cao diễn ra hôm 17/11 giữa Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Thủ tướng tạm quyền Đức Angela Merkel. Phía văn phòng của ông Lukashenko cho biết, hai bên đã đạt được "sự hiểu biết nhất định" về cuộc khủng hoảng và đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán ngay lập tức để tìm phương án giải quyết.
Trong khi đó, Người phát ngôn của bà Angela Merkel nêu rằng, trong cuộc điện đàm, bà Merkel đã "nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp dịch vụ chăm sóc nhân đạo và tạo cơ hội hồi hương" cho những người di cư bị mắc kẹt tại biên giới Belarus - Ba Lan.
Giới chuyên gia nhận định, giải pháp đưa người hồi hương được châu Âu nói riêng và các bên nói chung lựa chọn là biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay. Belarus cũng rất ủng hộ giải pháp tình thế này. Iraq, quê hương của phần lớn người di cư đang mắc kẹt tại biên giới Belarus – Ba Lan đã bắt đầu vào cuộc.
Theo Bộ Ngoại giao Iraq, ngày 18/11, Baghdad đã điều chuyến bay đầu tiên tới khu vực biên giới nêu trên để hồi hương công dân có nguyện vọng về nước. Tuy nhiên, Warsaw cho hay, dù nhiều người di cư đã tình nguyện hồi hương, song còn tới 4.000 người, hầu hết mắc nợ vì vay tiền sang châu Âu, vẫn tập trung ở biên giới để tới Ba Lan. Các nhà phân tích dự đoán, EU khó có thể đưa ra quyết định tiếp nhận người di cư bởi khối sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Ba Lan hay các nước Đông Âu vốn có lập trường cứng rắn về vấn đề này, đồng thời khiến EU phải đối mặt với tình trạng chia rẽ sâu sắc hơn. Thậm chí, nếu EU buộc Ba Lan nhận người di cư, một Polexit (Ba Lan rời EU) có thể xảy ra. Nhưng nếu không tiếp nhận, nó sẽ tác động tiêu cực tới hình ảnh EU, đi ngược lại giá trị về quyền con người mà châu Âu hằng theo đuổi. Do đó, việc Belarus và EU nhất trí cùng đàm phán để giải quyết một cách tích cực vấn đề này sẽ giúp hạ nhiệt phần nào tình hình căng thẳng hiện nay.
Trong một diễn biến có liên quan, hãng thông tấn RIA mới đây dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Moscow sẵn sàng hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi cách, nếu có bất kỳ điều gì phụ thuộc vào chúng tôi." Tổng thống Putin cho biết, đã trao đổi với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hai lần kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng. Nhưng giới phân tích cho rằng, bất cứ sự hỗ trợ nào từ Nga nhằm bình ổn tình hình cũng có thể khiến Berlin phải chấp nhận nhượng bộ trong vấn đề cấp phép cho dự án dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2.
Cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Belarus với Ba Lan và một số quốc gia châu Âu khác như Latvia và Lithuania nhen nhóm từ đầu năm 2021 và trở nên căng thẳng từ hôm 8/11. Hàng nghìn người di cư tiến tới biên giới Belarus-Ba Lan và không chịu rời khu vực giáp ranh, nhiều người đã phá đổ hàng rào dây thép gai để vào lãnh thổ Ba Lan. EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan và các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này. Tuy nhiên, phía Belarus luôn coi đây là cáo buộc vô căn cứ.
Trước đó, Mỹ và EU tăng cường các lệnh trừng phạt lên chính quyền Tổng thống Belarus Lukashenko sau sự cố Minsk chặn máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland), yêu cầu hạ cánh khẩn cấp để bắt giữ một nhà hoạt động đối lập. Đáp trả, ông Lukashenko tuyên bố không tuân thủ thỏa thuận ngăn chặn di cư bất hợp pháp, với lý do các lệnh trừng phạt của EU đã tước đi của Minsk các khoản tiền cần thiết để chặn người di cư.
Khủng hoảng di cư Ba Lan-Belarus: Tái lặp kịch bản "ngã giá" biên giới châu Âu?
Người di cư thời gian qua trở thành con bài quan trọng của các nước châu Âu, được sử dụng phục vụ cho mưu đồ ... |
Belarus đưa 2.000 người di cư về nước
Bộ trưởng Ngoại giao Belarus cho biết nước này đã đưa khoảng 2.000 người di cư trở lại đất nước của họ trong nỗ lực ... |