Người bạn cùng lớp đại học gần đây ra sức kêu gọi chúng tôi bỏ tiền ra mua cổ phiếu một công ty ở Belarus.
Người bạn cùng lớp đại học gần đây ra sức kêu gọi chúng tôi bỏ tiền ra mua cổ phiếu một công ty ở Belarus.
Nhiều người Việt không còn lạ gì công ty này, Skyway gây ồn ào mấy năm qua ở Việt Nam. Đã có những tiếng nói khuyến cáo cảnh giác, song trên mạng vẫn tràn ngập những video, bài viết, website hoành tráng kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam hãy tham gia mua cổ phiếu công ty này để được "tự do tài chính", và rằng đây là "cơ hội đổi đời". Nhưng nếu chịu khó đọc các nguồn thông tin quốc tế chính thống bằng tiếng Anh, như quyết định ngày 14/5/2019 của Cơ quan giám sát tài chính liên bang Đức cấm công ty này chào bán đầu tư ra công chúng Đức; hay quyết định tương tự của chính phủ Estonia ngày 24/04/2017, bạn sẽ thấy việc cảnh giác hoàn toàn có cơ sở.
Nếu đọc kỹ chính trang web tiếng Anh của công ty mẹ trên, sẽ hiếm có nhà đầu tư tỉnh táo nào lại quyết định bỏ tiền vào một doanh nghiệp do một người Belarus lập ra nhưng đăng ký kinh doanh ở Virgin Islands - thiên đường của các công ty lừa đảo và trốn thuế. Việc huy động vốn lại được thực hiện bởi một tổ chức cùng tên nhưng đăng ký kinh doanh ở đảo quốc Sant Lucia, thuộc quần đảo Carribean, cũng là một "thiên đường thuế". Đặc biệt, mô hình huy động vốn của họ có đầy đủ dấu hiệu của một ponzi - tức kinh doanh đa cấp biến tướng.
Điều tôi ngạc nhiên hơn. Mặc cho những thông tin rõ ràng và thuyết phục đó, anh bạn tôi ở Việt Nam vẫn quyết chí đầu tư vào cổ phiếu của công ty này với lý do: tin tưởng vào công nghệ công ty đưa ra sẽ là giải pháp giao thông cho tương lai, giải quyết nạn tắc đường và ô nhiễm môi trường. Đó là công nghệ tàu điện chạy trên ray treo.
Tạm gác những nghi vấn về lừa đảo đầu tư, tôi bỏ thời gian xem các video giới thiệu công nghệ của công ty này. Họ đang đưa ra các giải pháp giao thông của quá khứ. Công nghệ tàu điện chở khách chạy trên ray treo là thứ mà nhiều nước châu Âu, có lẽ trừ Belarus, đã làm từ mấy chục năm nay. Hầu hết tàu chở khách và chở hàng ở những nước phát triển như ở Đức hiện nay đều chạy điện, và ray treo thực ra là một lựa chọn tồi khi không tận dụng được hạ tầng giao thông sẵn có. Ngoài ra, mô hình tàu điện trên ray treo công ty đưa ra khá giống với các loại tàu sky train ở Đức, ví dụ tàu sky train ở Düsseldorf được đưa vào vận hành từ năm 2002. Vấn đề đối với các loại tàu này, khi treo lơ lửng và chạy với tốc độ cao, độ an toàn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Ngoài ra, công nghệ này chẳng có ưu điểm gì hơn các loại tàu điện hiện có trong việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Nạn tắc đường và ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn thực ra xuất phát trước hết từ những thất bại trong chính sách đô thị hóa, quy hoạch đô thị, quy hoạch sản xuất năng lượng. Phương tiện giao thông chỉ là một phần trong đó. Quảng bá một công nghệ về tàu điện không còn mới và cam kết sẽ giải quyết các vấn nạn nói trên, thì hoặc là ảo tưởng hoặc chỉ có thể là đánh lận con đen. Vậy mà, ngoài lý lẽ tin tưởng vào công nghệ của công ty trên, anh bạn còn lý do khác. "Đã có hàng nghìn người đầu tư vào công ty này, lên mạng tìm video của các cổ đông lớn đã đăng nhé", anh thúc giục mọi người. Tất cả các video mà anh nói đều bằng tiếng Việt, có người thuyết minh còn nói ngọng, với thông tin khá một chiều và nhiều tin giả.
Những vụ việc mất tiền, mất tình sau các thương vụ đầu tư theo đám đông tại Việt Nam nhiều năm qua không còn mới. Một lý do quan trọng để những cỗ máy nhiều dấu hỏi này còn tồn tại được là bởi những người bỏ tiền nuôi nó chưa hiểu biết thấu đáo về lĩnh vực mình sắp đầu tư. Khi thiếu kiến thức và thông tin, nhiều người sẽ bảo vệ quyết định của mình bằng cách cố tin rằng "đầy người cũng đang làm thế".
Thời chúng tôi học đại học gần 20 năm trước, giáo trình trong trường thường thiên về trình bày những kiến thức phổ biến ở Liên Xô hay các nước đông Âu. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật ở các nước phương Tây thường ít được đề cập. Việc giảng dạy tiếng Anh ở cấp đại học cũng do phần lớn các thầy cô đang dạy tiếng Nga chuyển sang. Số sinh viên tốt nghiệp đại học ở thế hệ của tôi có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp và nghiên cứu thường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ ít tiếp cận với khoa học kỹ thuật của các nước phát triển, sinh viên thời tôi đi học cũng quen với cách tiếp thu kiến thức thày giảng trò ghi, và ít có phản biện tranh luận bình đẳng giữa sinh viên và giảng viên. Cách học đó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tự học, tự tìm hiểu, vốn cực kỳ quan trọng trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay.
Có lẽ điều đó giải thích tại sao trong số những người vẫn đầu tư theo đám đông lâu nay, có cả những người có trình độ học vấn cao như đại học, cao đẳng, và trên đại học. Và thay vì thói quen cập nhật thông tin, kiến thức trực tiếp từ những nguồn tài liệu của nước ngoài với tư duy độc lập, thì ngay cả nhiều kỹ sư lại dựa vào những lời "kêu gọi đổi đời" trên Youtube của những người mà tôi đoán chưa chắc hiểu hết về những gì họ đang nói.
Rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang có một thái độ đầu tư đối với tiền bạc, kiến thức và cả tương lai của mình, theo kiểu không cần cố gắng nỗ lực học hỏi gì nhiều, chỉ cần bắt chước nhiều người khác, bỏ vào đâu đó một số tiền, sau một thời gian sẽ thu lợi gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần số tiền ban đầu. Tâm lý này là nguyên nhân khiến loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng có cơ hội tồn tại, cũng như tạo ra những bong bóng đầu cơ trên thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.
Kiếm tiền nhanh và dễ là mong muốn chính đáng ở tất cả mọi người trên thế giới. Nhiều trò lừa đảo vì thế đã đánh vào lòng tham của con người, ví dụ như mô hình ponzi hay trò lừa "hoàng tử Nigeria" làm mưa làm gió ở nước ngoài khá lâu trước khi du nhập vào Việt Nam. Cơn sốt "ảo" cây hoa lan đột biến gần đây ở Việt Nam cũng khá tương đồng với bong bóng đầu cơ củ hoa tulip ở châu Âu giữa thế kỷ 17. Gần đây, những trò lừa đảo dựa trên mô hình ponzi nhưng gắn mác công nghệ cao, siêu lợi nhuận như những sàn đầu tư ngoại hối trên mạng (forex) hay ứng dụng kinh doanh tiền ảo hứa hẹn trả hoa hồng khủng cho những ai mời gọi được nhiều người tham gia vẫn đang nở rộ. Hầu hết nhà đầu tư thường chỉ dừng lại khi "sàn sập", "web đóng cửa" hay cơ quan chức năng ra tay thực sự, nhưng khi đó tiền đã mất sạch. Myaladdinz, Tailoc888, Ola City, Winsbank, IBG... chỉ là vài trong số rất nhiều cái tên vẫn đang làm mưa làm gió, biến tiền tươi thóc thật của nhà đầu tư tay mơ thành "tiền ảo". Chỉ lợi nhuận thu về cho những kẻ cầm đầu là không ảo tý nào.
Tất nhiên chúng ta có quyền đòi hỏi hơn nữa vai trò của các nhà chức trách trong việc quản lý sát sao môi trường kinh doanh, đầu tư. Nhưng cũng đáng tiếc là, trong kỷ nguyên Internet, khi mọi thông tin đều sẵn có trên mạng thì việc tự tra cứu, trau dồi khả năng phân tích và tỉnh táo trước tâm lý đám đông để tránh không mắc phải những mánh khóe vốn đã quá cũ ở nơi khác lại không phải là việc nhiều người ưu tiên, vì chính họ.
Còn nói đến đầu tư tài chính, hẳn ai cũng biết đến nhà đầu tư xuất sắc nhất của thời đại chúng ta là Warren Buffett. Vị CEO của Berkshire Hathaway hiện dành đến tám mươi phần trăm thời gian để đọc sách. Đối với ông, cập nhật tri thức từ khoảng năm trăm trang sách mỗi ngày chính là chìa khóa của thành công. Ông là một minh chứng chắc chắn rằng: cả trong đầu tư tiền bạc cũng như đầu tư cho tương lai của mỗi người, chưa ai tìm ra con đường tắt nhanh hơn để thành công ngoài việc học và làm tử tế.
Nguyễn Đình Quân