Chuyện về những trọng tài ở AFF Cup

Vòng loại trực tiếp AFF Cup 2021 ghi nhận những trận đấu đầy tranh cãi với ông vua áo đen là nhân vật chính. Trên thực tế, không ít trọng tài tên tuổi từng được mời làm nhiệm vụ ở AFF Cup trước khi thành danh, nhưng họ có vẻ thường xuyên lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi liên quan đến giải đấu này.

Bị điều tra vì nghi án đạo văn

Cái tên Fu Ming đến giờ vẫn là một trong những trọng tài được người hâm mộ Việt Nam nhớ tên nhiều nhất. Ở trận bán kết lượt về AFF Cup 5 năm trước, ông đã truất quyền thi đấu thủ môn Nguyên Mạnh ngay trên sân Mỹ Đình. Tấm thẻ đỏ oan nghiệt ấy được ông vua áo đen người Trung Quốc rút ra giữa khuôn mặt ngơ ngác của 4 vạn khán giả trên sân vận động quốc gia.

Nếu chỉ theo dõi trực tiếp trận đấu trên sân bóng, hẳn người hâm mộ cũng không hiểu vì sao Nguyên Mạnh phải rời sân. Chỉ có những góc máy quay chậm mới cho thấy thủ môn đội tuyển Việt Nam đã đánh nguội cầu thủ Indonesia trong vòng cấm. Fu Ming không quan sát được tình huống đó, nhưng vị trợ lý trọng tài lại nhìn thấy. Ông không ngần ngại truất quyền thi đấu Nguyên Mạnh với những gì nghe được.

Tấm thẻ đỏ phải nhận từ ông vua áo đen Trung Quốc khiến Nguyên Mạnh từng suy nghĩ đến chuyện giải nghệ nhưng lại khiến Fu Ming bay cao trong sự nghiệp. Vốn chỉ là giảng viên thể chất tại Đại học hàng không và du hành vũ trụ Nam Kinh, sự nghiệp Fu Ming chỉ thực sự cất cánh khi ông gắn liền với bóng đá. Năm 31 tuổi ông trở thành trọng tài FIFA, rồi làm việc ở AFF Cup 2016 khi mới 33 tuổi.

Kết thúc chiến dịch AFF Cup 5 năm trước, Fu Ming về nước cùng sự nghiệp thăng tiến. Ông có cơ hội cầm còi bắt chính ở 2 trận đấu thuộc Asian Cup 2019, rồi trở thành một trong những giảng viên trọng tài đầu tiên cho Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc. Nhưng giữa lúc đường công danh sự nghiệp lên như diều gặp gió, Fu Ming lại vướng vào nghi án đạo văn khi còn công tác ở trường đại học.

Tháng 3/2019, một nhóm người sử dụng mạng xã hội tại Trung Quốc đã tố cáo Fu Ming đạo văn đồng nghiệp. Cụ thể hơn, bản "Nghiên cứu về thực trạng và giải pháp của việc phát triển cầu thủ trẻ Trung Quốc" do Fu Ming viết năm 2015 giống sản phẩm của người khác đến 50%. Bài báo "Điều tra và nghiên cứu về bóng rổ tại các trường đại học ở Nam Kinh" do Fu Ming thực hiện còn giống của người khác đến 89,5%.

May mắn cho Fu Ming là sau đó ông được giải oan khi chính quyền vào cuộc, đánh giá bằng phần mềm dò đạo văn chuyên nghiệp. Hai bài viết của ông rốt cục chỉ giống với sản phẩm của người khác chưa tới 2%, đủ tiêu chuẩn để kết luận vị trọng tài này không đạo văn. Nhưng ngay cả khi được chứng minh mình trong sạch, Fu Ming cũng không còn cầm còi nhiều như trước. Ở tuổi 38, ông chỉ bắt chính 3 trận trong năm nay và tính đường giải nghệ sớm.

2.jpg -0

Ông Kim Hee-gon bị HLV Shin Tae-yong ám chỉ “xử ép” dù hai người là đồng hương.

"Xử ép" đồng hương?

Ở lượt đi bán kết AFF Cup năm nay, bên cạnh trận Việt Nam - Thái Lan, cuộc đối đầu giữa Singapore và Indonesia cũng bị nghi ngờ về công tác điều hành của tổ trọng tài. HLV Shin Tae-yong thậm chí còn nói bóng gió trong phòng họp báo sau trận đấu về việc đội bóng của ông lẽ ra phải được hưởng một quả phạt đền. Đến trước khi trận lượt về diễn ra, ông còn gây sức ép lên các trọng tài khi nói thẳng nước chủ nhà Singapore được ông vua áo đen ưu ái.

Chuyện đó sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như trọng tài chính bắt trận đấu lượt đi giữa Singapore và Indonesia là một người Hàn Quốc, ông Kim Hee-gon. Ở tuổi 36, ông Kim là một trong những trọng tài xuất sắc nhất của bóng đá Hàn Quốc thời điểm hiện tại. Ông từng xuất hiện ở những trận đấu thuộc khuôn khổ AFC Champions League và AFC Cup, đồng thời làm giảng viên dạy về luật bóng đá.

Trên thực tế, Kim Hee-gon đã bỏ qua khá nhiều tình huống phạm lỗi thô bạo của cầu thủ Indonesia trong trận đấu với Singapore. Nhiều pha bóng được quay chậm cho thấy cầu thủ do HLV Shin Tae-yong huấn luyện không ngại đá xấu, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay với đối phương ngay trên sân. Ông Kim đơn giản chỉ không quan sát được, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những pha bóng đó, nhưng không hiểu sao vẫn bị cho là ưu ái Singapore.

Trận đấu bán kết lượt đi AFF Cup giữa Singapore và Indonesia cũng là lần cuối tổ trọng tài Hàn Quốc làm việc ở giải đấu lần này. Với cá nhân Kim Hee-gon, ông hẳn có lý do để ít nhiều cảm thấy bức xúc khi bị HLV Shin Tae-yong cho rằng mình đã "xử ép" đồng hương ở một giải đấu quốc tế. Nếu ông thực sự nghiêm khắc, Indonesia hẳn đã mất người ở trận đấu đó.

Nhìn về quá khứ, Kim Hee Gon từng mắc sai lầm khá nghiêm trọng khi bắt chính tại giải vô địch quốc gia Hàn Quốc. Hồi tháng 11/2018, trong trận đấu giữa Daejeon FC và Gwangju FC, cầu thủ Lee Seung-mo đã bất tỉnh sau khi va chạm với đối phương ở một tình huống không chiến. Nhưng thay vì chạy đến bên cầu thủ để kiểm tra tình hình, Kim lại cho trận đấu tiếp tục vì nghĩ Lee vẫn bình thường.

Phải đến khi nhận ra Lee Seung-mo nằm bất động suốt 30 giây, Kim và các trợ lý mới nháo nhác chạy đến phía cầu thủ trẻ đang khoác áo U23 Hàn Quốc.

Đội ngũ nhân viên y tế được yêu cầu vào sân cấp tốc giúp cho Lee sớm lấy lại ý thức. Không có chuyện xấu nào xảy ra trong trận đấu ngày hôm đó, nhưng cách Kim thể hiện khiến ông bị mất điểm khá nhiều trong mắt các quan chức bóng đá Hàn Quốc. Từ một trọng tài đang lên, Lee phải tìm lại mình ở AFF Cup, nhưng lời cáo buộc của Shin Tae-yong có thể khiến ông thêm khốn đốn trong tương lai.

Ưa trọng tài ngoại và trẻ

AFF Cup 2021 có tổng cộng 12 trọng tài được bổ nhiệm thay phiên bắt chính ở các trận đấu. Họ hầu hết đều chỉ mới ngoài 30 tuổi và kinh nghiệm bắt những trận đấu đỉnh cao đều chưa nhiều. Nhưng ở một góc độ khác, việc cầm còi ở một giải đấu cấp khu vực như AFF Cup thực sự khiến các ông vua áo đen trẻ tuổi lên tay rất nhiều. Họ có thể trưởng thành nhanh chóng khi ra quyết định dưới áp lực lớn như Fu Ming ngày trước.

Một điểm thú vị khác ở AFF Cup là giải đấu này gần đây có xu hướng bổ nhiệm những trọng tài nằm ngoài khu vực Đông Nam Á đến làm việc. Nazmi Nasaruddin (Malaysia) và Ahmad A'Qashah (Singapore) là 2 ông vua áo đen "hàng nội" hiếm hoi làm việc ở giải đấu năm nay. Có vẻ như AFF muốn sử dụng trọng tài ngoài khu vực Đông Nam Á để họ ra quyết định công tâm hơn, tránh những tình huống gây tranh cãi như quá khứ. Dù vậy, điều này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như ý muốn.

An Khánh

HLV Thái Lan: CĐV Việt Nam phải chấp nhận thất bại, đừng đổ lỗi cho trọng tài HLV Thái Lan: CĐV Việt Nam phải chấp nhận thất bại, đừng đổ lỗi cho trọng tài
Chủ tịch AFF thừa nhận trọng tài bắt trận Việt Nam vs Thái Lan sai nghiêm trọng Chủ tịch AFF thừa nhận trọng tài bắt trận Việt Nam vs Thái Lan sai nghiêm trọng

/ cand.com.vn