CHDCND Triều Tiên gia nhập cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm?

Vụ thử tên lửa thành công mới nhất giúp CHDCND Triều Tiên gia nhập nhóm nhỏ các cường quốc quân sự có năng lực tự phát triển vũ khí siêu vượt âm, song đã khiến nước này vấp phải sự quan ngại đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 12/1 xác nhận Triều Tiên vừa thực hiện thành công một vụ thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm dưới sự chứng kiến trực tiếp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. "Vụ phóng thử nhằm đưa ra đánh giá cuối cùng về thông số kỹ thuật tổng thể của hệ thống vũ khí siêu vượt âm", KCNA tiết lộ. Theo hãng tin Triều Tiên, mẫu vũ khí siêu vượt âm là một thiết bị lướt được triển khai trên đầu một tên lửa đạn đạo. Nó đã tách khỏi thân tên lửa rồi lao trúng mục tiêu cách bệ phóng 1.000km với quỹ đạo bay phức tạp. KCNA khẳng định, khả năng cơ động vượt trội của thiết bị lướt siêu vượt âm do nước này phát triển "đã được kiểm chứng rõ ràng hơn qua đợt bắn thử cuối cùng".

Theo KCNA, sau khi thị sát vụ phóng thử mới nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi các nhà khoa học quân sự "đẩy nhanh nỗ lực xây dựng sức mạnh quân sự chiến lược của đất nước, về cả số lượng lẫn chất lượng và hiện đại hóa quân đội hơn nữa". Ông cũng thể hiện mong muốn giới chức trong lĩnh vực nghiên cứu tên lửa của Triều Tiên nâng cao năng lực răn đe chiến lược của nước này thông qua các thành tựu nghiên cứu khoa học hiện đại.

8.jpg -0

Khoảnh khắc quả tên lửa Triều Tiên được khai hoả hôm 11/1. Ảnh: KCNA/ Reuters.

Đây là vụ phóng thử vũ khí siêu vượt âm thứ hai của Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tuần và là vụ thử thứ 3 kể từ tháng 9/2021. Tháng 3/2020, lần đầu tiên ông Kim Jong-un đích thân thị sát một vụ phóng tên lửa và phát triển vũ khí siêu vượt âm được coi là một trong 5 nhiệm vụ cốt lõi theo kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường năng lực phòng vệ được Bình Nhưỡng đề ra. Một vũ khí được xếp vào loại siêu vượt âm nếu có tốc độ bay từ Mach 5 trở lên. Khi đạt được vận tốc tối ưu, vũ khí siêu vượt âm có thể nhanh chóng hạ độ cao và bay với hành trình phức tạp, thay vì quỹ đạo parabol có thể đoán trước như đầu đạn tên lửa đạn đạo thông thường, khiến chúng gần như không thể bị đánh chặn.

Trước đó, trong bản tin phát đi ngay sau vụ phóng hôm 11/1, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, mẫu vũ khí mới của Triều Tiên được khai hoả từ tỉnh Chagang gần biên giới Trung Quốc, sau đó rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. JSC mô tả vật thể này bay xa 700km, đạt độ cao 60km và vận tốc Mach 10. Dù đặc tính kĩ thuật chi tiết mẫu vũ khí của Triều Tiên chưa được công bố, Hàn Quốc thừa nhận Triều Tiên đã đạt những tiến bộ đáng kể sau các đợt thử nghiệm mới nhất.

Truyền thông quốc tế thì mô tả vụ phóng thử vừa rồi đã loại bỏ nhiều nghi ngờ về năng lực tên lửa của Triều Tiên, đồng thời đưa nước này vào danh sách số ít quốc gia, bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đạt được những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực sở hữu mẫu khí tài răn đe chiến lược. Trên thế giới hiện chỉ có Nga là quốc gia duy nhất đã đưa vũ khí siêu vượt âm vào trực chiến, trong khi nhiều nước khác, bao gồm Hàn Quốc, vẫn trong giai đoạn thiết kế những nguyên mẫu đầu tiên. Đồng thời, giới chức Hàn Quốc đã phát thông điệp "lấy làm tiếc về vụ phóng của Bình Nhưỡng giữa lúc ổn định chính trị rất quan trọng".

Bà Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nói các vụ phóng thử nói trên của Triều Tiên là nguy hiểm và gây mất ổn định. "Mỹ đã từng nói là sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, rằng chúng tôi sẵn sàng bàn về COVID-19 và hỗ trợ nhân đạo. Thay vào đó, họ đang bắn tên lửa", bà Nuland phát biểu. Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 12/1 bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa lần thứ hai trong một tuần. Ông kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và trở lại đàm phán với các bên liên quan. Người đứng đầu cơ quan LHQ nhấn mạnh, con đường duy nhất để đạt được hòa bình bền vững và tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là thông qua các giải pháp ngoại giao.

Hiện chưa rõ vụ thử của Bình Nhưỡng tác động đến tiến trình đàm phán trên Bán đảo Triều Tiên ra sao. Hồi tháng 12/2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ "đồng ý về nguyên tắc" tuyên bố chấm dứt chiến tranh sau gần 70 năm kể từ thời điểm cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tạm kết thúc với một thoả thuận đình chiến. Từ nhiều tháng qua, Triều Tiên khẳng định họ sẽ chỉ nối lại đối thoại cùng Mỹ nếu Washington ngưng "các chính sách thù địch" như các biện pháp trừng phạt hay các cuộc tập trận quân sự. Giới quan sát đánh giá, Bình Nhưỡng đang sử dụng hoạt động thử tên lửa để gây thêm áp lực khiến các đối thủ chấp nhận họ là một cường quốc hạt nhân, đồng thời giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Hàn Quốc "khoe" hệ thống đánh chặn mới

Một ngày sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) ngày 12/1 thông báo nước này cũng đã mới gặt hái thêm thành tựu công nghệ mới khi vừa thử thành công một hệ thống phòng thủ dành riêng cho máy bay quân sự, nhằm vô hiệu hỏa các loại tên lửa đất đối không di động của đối phương. ADD tiết lộ, hệ thống mới, được định danh là DIRCM, có khả năng phát ra những chùm tia laser có định hướng xuống mặt đất, khiến tên lửa tầm nhiệt của đối phương bị "mù" và không thể xác định mục tiêu.

Thiện Nhân

Tên lửa mới nhất của Triều Tiên đạt tốc độ gấp 10 lần âm thanh Tên lửa mới nhất của Triều Tiên đạt tốc độ gấp 10 lần âm thanh
Ông Kim Jong-un kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự sau khi quan sát thử tên lửa Ông Kim Jong-un kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự sau khi quan sát thử tên lửa
/ cand.com.vn