Thời điểm cuối năm, nhiều đối tượng lợi dụng sự sơ hở của người dân để lừa đảo, nhất là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tăng về số lượng và có tính phức tạp. Nhiều người dân mất cảnh giác đã mắc bẫy, tiền mất tật mang...
Đại tá Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay lợi dụng sự tiện dụng của không gian mở trên mạng xã hội, đồng thời cũng lợi dụng sự sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng… nên nhiều đối tượng đã có những hành vi lừa đảo gây nhiều hệ lụy. Trong đó, hoạt động lừa đảo qua mạng, qua điện thoại đã có từ khá lâu nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người bị lừa.
“Phương thức thủ đoạn thì vẫn giống nhau, các đối tượng chỉ thay đổi, cập nhật theo những vấn đề thời sự như mua hàng mùa COVID-19 hay đăng ký tiêm chủng hay xác minh những thông tin cá nhân, thay đổi tài khoản, số điện thoại… Từ những vấn đề thời sự, các đối tượng liên tục bổ sung các phương thức, thủ đoạn nhưng cơ bản chúng vẫn dùng các hình thức lừa đảo qua tin nhắn điện thoại, qua mạng xã hội để dẫn dụ người bị hại “vào tròng”, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…”, Đại tá Nguyễn Thế Lâm cho biết.
Mới đây, Công an một số tỉnh thành đã khuyến cáo về một thủ đoạn lừa đảo mới, các đối tượng sẽ giả vờ chuyển khoản nhầm cho nạn nhân, sau đó ép trả tiền lãi suất cao. Thủ đoạn của các đối tượng là cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân là những người nhẹ dạ, cả tin. Sau khi họ nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ, yêu cầu họ trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi “cắt cổ”…
Theo cơ quan Công an, việc chuyển tiền nhầm qua tài khoản là thủ đoạn khá tinh vi. Trong trường hợp này, nếu người nhận được tiền vội vã trả tiền lại cho người gọi đến mà không xác minh rõ số tài khoản ngân hàng, chứng từ chuyển khoản thì sẽ rất phức tạp. Còn nếu đúng hạn trả nợ, chủ tài khoản đã chuyển nhầm tiền xuất hiện và yêu cầu bên nhận thanh toán thì họ cũng khó có thể từ chối vì thông tin chuyển khoản đã lưu trên điện thoại và có chứng từ ở ngân hàng.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Lâm, để tuyên truyền cho người dân, Công an TP Hồ Chí Minh cùng Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đã dùng nhiều hình thức khác nhau để tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn lừa đảo cho người dân nhận biết và cảnh giác. Vậy nhưng vẫn có rất nhiều người bị mắc lừa, trong đó nhiều người đã bị lừa tiền tỷ…
Thực tế thì có thể trong khoảnh khắc nào đó, một số người dân không đủ sức nhận ra đó là lừa đảo và bị dẫn dụ làm theo lời các đối tượng yêu cầu. Một số người lớn tuổi, về hưu có tích lũy, ít cập nhật tin tức dễ bị lừa…
Các đối tượng đã đánh vào tâm lý của người dân trước các vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe, hay thông tin cá nhân thì phản ứng mang tính tự nhiên của một số người khiến họ vô tình rơi vào bẫy của chúng. Cũng có những người có tài sản có thể bất minh hoặc có vấn đề khi bị dọa là sẽ có tâm lý lo sợ nên làm theo lời các đối tượng yêu cầu…
Cũng theo Đại tá Nguyễn Thế Lâm, hiện nay, không gian mạng, ứng dụng của công nghệ thông tin rất tiện lợi, nó phục vụ mọi nhu cầu của đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi sử dụng thiết bị lướt mạng, nếu không đủ hiểu biết rất dễ bị dụ dỗ, lừa đảo mất thông tin cá nhân, tài sản…
Riêng vấn đề cho vay tiền qua mạng, qua các app, theo Đại tá Nguyễn Thế Lâm, lợi dụng tình hình khó khăn do dịch COVID-19 và dịp cuối năm, năm hết tết đến, thường nhu cầu về vốn liếng nhiều và cả tiền để chi tiêu cuối năm cũng nhiều… Do đó, các đối tượng sẽ đẩy mạnh dùng các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, rao tìm người cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất không cao nhưng ẩn đằng sau là hàng loạt phí dịch vụ “cắt cổ”… Đây thực chất là một cách lách luật của các đối tượng cho vay lãi nặng. Bởi thực tế khi đã vay tiền thì người vay sẽ phải trả tiền lãi rất cao, khi không trả được hoặc chậm trả thì các đối tượng sẽ có hàng loạt hành động manh động đe dọa, siết nợ, thậm chí có thể dẫn đến các hành vi phạm tội khác liên quan đến việc vay tiền này. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác trước các loại hình cho vay qua mạng không rõ ràng, không phải của các tổ chức uy tín.
Giả danh Công an, lừa đảo hơn 6 tỷ đồng
Gần đây, nhiều người dân gửi đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh tố cáo việc một số đối tượng ... |
Suýt mất tiền tỷ vì nhận cuộc điện thoại liên quan đến đường dây tội phạm
Công an TP Bắc Kạn vừa phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo ... |