Khoảng 1.000 tấn xoài Australia trồng trong các vườn tại huyện Cam Lâm bị tồn vì rớt giá, khó tiêu thụ, khiến người trồng nguy cơ thua lỗ nặng.
Những ngày cuối tháng 5, "thủ phủ" xoài Australia tại xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, vắng vẻ. Xung quanh chỉ vài chủ vườn dọn dẹp những trái xoài chín rụng. Nơi đây không còn cảnh thương lái lùng sục hỏi mua như các năm trước.
Ông Nguyễn Văn Nhiên đang gom xoài chín rụng trong vườn tại huyện Cam Lâm. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Ông Nguyễn Văn Nhiên, 67 tuổi, cho biết có 6 ha xoài, cách đây chừng một tháng có liên hệ thương lái hỏi giá, được phản hồi chỉ 2.000-4.000 đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng 20.000-30.000 đồng một kg. Dù vậy, thương lái cũng chỉ mua số lượng ít vì không xuất đi được. Với mức giá này, ông lo vụ mùa sẽ thua lỗ nặng, nhưng nếu kéo dài trái chín và rụng hết nên đành bán tháo hơn 2 tấn loại trái nửa kg tới một kg. Số còn lại hơn 4 tấn, ông cố gắng chờ giá khởi sắc hơn.
Gần đây, số xoài này bắt đầu già đi. Mỗi ngày, ông "đứng ngồi không yên" khi thấy xoài chín rụng nằm đầy gốc. Từ tờ mờ sáng, ông chạy xe máy vào rẫy, cách nhà hơn một km, dùng vợt để hái. Một ngày, ông gom được hơn 200 kg, chở tới vựa quen nhờ mua giúp, với giá 2.000-5.000 đồng mỗi kg, tùy thuộc vào chất lượng.
Ông Nhiên kể, trước đây thương lái đến tận vườn hỏi mua, có khi đặt cọc trước. Mỗi lần như thế, ông phải thuê 3-4 người làm việc từ 6h sáng tới trưa với tiền công 400.000-500.000 đồng mỗi người. Còn nay, ông tự hái để giảm bớt chi phí.
Theo ông Nhiên, một ha xoài đầu tư hơn 10 triệu đồng phân bón, thuốc trừ sâu các loại và chưa tính công chăm sóc lẫn thuê người làm nửa năm nay. Hiện, ông chưa tính được lỗ bao nhiêu vì còn tồn khoảng 4 tấn trái chưa bán được.
"Những ngày qua, tôi chỉ lựa những trái đẹp hơn nửa kg để bán. Còn trái xấu hay bị ong chích để lại cho tự rụng, cuối vụ sẽ dọn làm phân bón", ông nói.
Cách đó 500 m, ông Ngô Văn Phú, 57 tuổi, cũng rơi vào cảnh tương tự. Nhiều trái chín rụng được ông đào hố chôn, số khác gom lại cho vào các gốc ủ làm phân.
Gia đình ông Phú trồng hơn 600 gốc xoài Australia cùng vài chục cây xoài Đài Loan trên diện tích 2 ha. Mùa này, năng suất trái đạt khoảng 10 tấn. Ông đã liên hệ nhiều thương lái nhưng đều bị từ chối, chỉ có vựa quen chịu mua, song giá tại vườn thấp 2.000-4.000 đồng một kg.
Gia đình ông lần lượt hái được 9 tấn xoài, bán được gần 30 triệu đồng, song chủ vựa là chỗ quen nên mới đưa 10 triệu đồng, số còn lại hẹn trả sau. Hiện, trong vườn ông còn khoảng một tấn. "Mùa này tôi đầu tư hơn 20 triệu đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu. Với tình hình này coi như mất công chăm sóc, thu hoạch", ông Phú bộc bạch.
Xoài Australia loại một có trọng lượng gần một kg được thương lái mua giá 5.000 đồng. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Là thương lái chuyên mua xoài ở Cam Lâm, anh Huỳnh Long Hưng, 32 tuổi, cho biết trước đây một ngày vựa anh mua khoảng 8-10 tấn xoài, còn bây giờ mỗi ngày chỉ mua 4-5 tấn và giá trung bình 2.000-5.000 mỗi kg.
Xoài Australia tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng Covid không xuất khẩu được. Còn thị trường trong nước tiêu thụ chậm, chủ yếu các tỉnh phía Nam. Cơ sở anh chỉ mua cầm chừng, thu lại từ những chủ vườn đã bán cho vựa nhiều năm, đồng thời không dám thu sản lượng lớn.
Ông Lê Quốc Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp Khánh Hòa, cho biết toàn huyện Cam Lâm có khoảng 6.000 ha xoài, trong đó hơn 3.500 ha xoài Australia với sản lượng trung bình khoảng 40.000 tấn một năm. "Hiện còn khoảng 1.000 tấn xoài Australia bị tồn trong các vườn", ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, từ khi Covid-19 bùng phát, không xuất khẩu sang Trung Quốc được khiến người trồng xoài lao đao. Trung tâm đang phối hợp với các doanh nghiệp địa phương trong và ngoài tỉnh tìm cách hỗ trợ, thu mua số xoài còn tồn và tìm thị trường tiềm năng trong thời gian tới để giải quyết đầu ra cho nông dân.
Xuân Ngọc
Đưa nông sản lên chợ online |
Nếu không chú trọng chế biến, nông sản Việt nguy cơ mất thị trường nội địa |