Theo AP, các cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu dựa trên những chính sách khác nhau của hai ứng viên tổng thống, trong số đó là chính sách về thuế và thương mại.
Nền kinh tế Mỹ trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump được chia thành hai nửa sáng tối với đường phân tách là đại dịch Covid-19.
Ở nửa đầu tiên, kéo dài tới tháng 3 năm nay, kinh tế Mỹ đạt được nhiều cột mốc lịch sử về việc làm, thu nhập và giá cổ phiếu. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về việc Mỹ đã trải qua một thời kỳ kinh tế khởi sắc nhất từ trước tới nay như lời Tổng thống Donald Trump khẳng định, không thể phủ nhận một thực tế là nó đã trở nên tốt hơn đối với hàng triệu người dân Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường chứng khoán tăng vọt là lợi thế của Tổng thống Trump trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Mỹ. Tăng trưởng kinh tế Mỹ lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở mức 7,9%. Khoảng 10 triệu người lao động Mỹ bị mất việc, con số vượt quá hồi cuộc Đại suy thoái năm 2008-2009.
Nửa thứ hai, bắt đầu sau khi Covid-19 tấn công Mỹ, là giai đoạn tồi tệ mà Tổng thống Trump chắc chắn không muốn nhắc tới. Nó khiến tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức cao chưa từng thấy trong thời kỳ hậu suy thoái, trước khi hồi phục trở lại, nhưng chỉ một phần.
Ông Trump dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong quý III và quý IV/2020 rồi "cất cánh như tên lửa" vào năm 2021. Ông chủ Nhà Trắng cũng hứa rằng vaccine chống Covid-19 hoặc các phương pháp điều trị hiệu quả sẽ sớm ra mắt, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Trong ba năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Trump, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ tăng, bất bình đẳng giảm và tỷ lệ nghèo trong cộng đồng người da màu giảm xuống dưới 20%, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II. Tỷ lệ thất nghiệp của người da màu xuống dưới 6%, lần đầu tiên kể từ năm 1972.
Một cách để đo lường hiệu quả kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng y tế là so sánh với các quốc gia khác. Về khía cạnh tăng trưởng, Mỹ không phải trường hợp cá biệt.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hầu hết các nền kinh tế lớn đều sụt giảm trong năm nay, ngoại trừ Trung Quốc. Mỹ được dự đoán giảm 4,3%, tương đương mức giảm của toàn cầu.
Về nợ công, Mỹ ước tính sẽ gánh mức nợ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong năm 2020. Nợ liên bang đã tăng 5,6 nghìn tỷ dưới thời Trump.
Số nợ mà Mỹ phải gánh trong đại dịch tạo thêm áp lực dẫn tới suy thoái. Với lãi suất khá thấp như hiện nay, chính phủ vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Nhưng theo các nhà kinh tế, rủi ro nằm ở việc mức nợ sẽ cản trở khả năng đầu tư của quốc gia trong tương lai, làm giảm động lực theo đuổi mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Kế hoạch cắt giảm thuế mới của ông Trump hồi mùa hè đã bị cản trở bởi sự phản đối gay gắt từ lưỡng đảng. Tuy nhiên, theo AP, nếu giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, ý tưởng của tổng thống Mỹ có khả năng được hồi sinh.
Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng nền kinh tế không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đối với quá trình phục hồi dài hạn, ông đưa ra những động thái để tránh suy thoái kéo dài và giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo.
Các kế hoạch lớn nhất của ông bao gồm chương trình trị giá 2.000 tỷ USD nhằm chống lại biến đổi khí hậu và kế hoạch bảo hiểm y tế mới với tất cả người Mỹ trong độ tuổi lao động. Ông Biden đề xuất chi tiêu mới cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp nhỏ. Cùng với đó là việc tăng mức lương tối thiểu quốc gia lên 15 USD/giờ.
Ngoài ra, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ muốn tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28% và tăng thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của các công ty Mỹ. Như vậy, ông Biden sẽ đảo ngược một phần Luật giảm thuế và tạo việc làm, được Tổng thống Trump thông qua năm 2017.
Ông Biden cũng muốn tăng thuế thu nhập và tiền lương đối với những cá nhân có thu nhập chịu thuế hàng năm trên 400.000 USD. Các khoản thu này sẽ lên đến 4.000 tỷ USD hoặc lớn hơn trong vòng 10 năm.
Ông Biden cũng coi nhập cư là một vấn đề kinh tế. Ông muốn mở rộng vùng nhập cư hợp pháp và trao cơ hội nhập quốc tịch cho khoảng 11 triệu người sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ. Những người này đã đóng góp vào nền kinh tế với tư cách người lao động và người tiêu dùng.
Ứng viên đảng Dân chủ khẳng định kế hoạch của ông là thúc đẩy chính sách thương mại, thuế và đầu tư để đẩy mạnh đổi mới trong nước, giảm phụ thuộc vào sản xuất nước ngoài và tạo thêm 5 triệu việc làm cho người Mỹ. Ông Biden muốn thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ bằng cách chi 400 tỷ USD ngân sách liên bang cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ.
Ông cũng muốn hỗ trợ 300 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển các công ty công nghệ Mỹ như xe điện và mạng 5G.
Ông cam kết sẽ đàm phán cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ. Trung Quốc, cũng như Mỹ, chưa phải là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Đây là hiệp định thương mại đa phương mà ông Biden công khai ủng hộ khi ông còn là phó tổng thống.
Phóng viên (t/h)