Bộ GTVT vừa ban hành văn bản đồng ý đề xuất nghiên cứu tiền khả thi, xác định thời điểm, phương án đầu tư cảng hàng không Sa Pa.
Như vậy, sau gần 2 tháng họp bàn, thống nhất về chủ trương, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam liên quan đến đề xuất phương án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) Sa Pa của UBND tỉnh Lào Cai.
UBND tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng CHK Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, sân bay quân sự cấp II với tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng . (Ảnh minh họa)
Theo Bộ GTVT, quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018, giai đoạn đến năm 2030 CHK Sa Pa được đưa vào khai thác, có cấp 4C và công suất 3 triệu hành khách/năm.
Bộ GTVT đánh giá, với tổng mức đầu tư và hình thức đầu tư do UBND tỉnh Lào Cai đề xuất, việc nghiên cứu tiền khả thi để xác định thời điểm, quy mô, phương án đầu tư CHK Sa Pa là cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng "nếu trông vào ngân sách Nhà nước sẽ khó khăn" nên Bộ đề nghị giao dự án này cho tỉnh Lào Cai thực hiện, áp dụng mô hình xã hội hóa giống Cảng hàng không Vân Đồn (do doanh nghiệp tư nhân đầu tư); Bộ Giao thông sẽ phối hợp để kêu gọi các nhà đầu tư.
Về phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tham gia đầu tư xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, nhà điều hành....
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) tham gia đầu tư xây dựng các công trình quản lý điều hành bay để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, làm việc với UBND tỉnh Lào Cai ngày 7/8, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ông ủng hộ dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa và nhận định đây là "dự án rất tiềm năng".
Theo Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ, dự án sân bay Sa Pa đã có quy hoạch, do vậy trên cơ sở tham mưu của Bộ, Chính phủ sẽ quyết định thời điểm xây dựng và quy mô sân bay sao cho phù hợp.
Phục vụ ai?
Từng trao đổi với Đất Việt về đề xuất UBND tỉnh Lào Cai xin xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C. Tổng vốn đầu tư gần 5.779 tỷ đồng (không bao gồm chi phí xây lắp, trang thiết bị của quốc phòng), GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, lãng phí, chỉ phục vụ nhà giàu, giới đại gia.
GS Đặng Đình Đào nói rõ, Lào Cai là tỉnh miền núi, kinh tế khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, xây cảng hàng không là không phù hợp.
Chỉ ra 3 điểm để khẳng định dự án không thể giúp Lào Cai một lúc có thể cất cánh lên trời, GS Đặng Đình Đào nói:
Thứ nhất, về vị trí địa lý không thuận lợi, cung đường ngắn, thời gian chờ đợi làm thủ tục check in - check out mất quá nhiều thời gian, máy bay chưa cất cánh đã phải hạ cánh.
Thứ hai, chi phí vận chuyển đắt, không phải ai cũng có thể bay được.
Thứ ba, về kinh tế, xã hội khó tạo ra đột phá do hàng không chủ yếu phục vụ du lịch. Trong khi, du khách trong nước đi du lịch đến Sapa thì sẽ bay đến Lào Cai rồi buộc phải đi ô tô, thời gian di chuyển còn lâu hơn, không phù hợp.
Đối với khách nước ngoài thường thích du lịch tự do, thích phượt, tự khám phá, không thích bó buộc, vì thế, hàng không chưa chắc đã là lựa chọn tốt cho mục tiêu phát triển du lịch tại địa phương này.
"Xây dựng cảng hàng không chỉ phù hợp phục vụ một số nhóm người giàu, đại gia có tiền muốn đi du lịch nhưng thực chất là đi nghỉ dưỡng. Số này cũng rất hạn chế, theo mùa, không ổn định, nguồn thu không đủ để bù chi.
Về kinh tế, dự án hoàn toàn không để phục vụ phát triển kinh tế, vì muốn thúc đẩy được kinh tế địa phương phát triển thì Lào Cai phải có được tiềm năng để cất cánh.", vị GS thẳng thắn.
An An