Biến chủng Omicron tiếp tục xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới trong khi một số nước đã ghi nhận ca nhiễm trước đó đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng bệnh nhân mắc biến chủng này.
Ngày 5/2 Senegal trở thành quốc gia mới nhất trên thế giới ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên. Theo Reuters, bệnh nhân là một du khách từng tham dự cuộc tuần hành ở thủ đô Dakar hồi tháng trước cùng khoảng 300 người với nhiều quốc tịch khác nhau, phòng xét nghiệm IRESSEF cho biết.
Biến chủng Omicron xuất hiện ở Senegal |
Du khách nói trên - một người đàn ông 58 tuổi - tới Senegal từ một quốc gia Tây Phi khác và xét nghiệm dương tính khi rời khỏi Senegal vào ngày 3/12. Người này đang được cách ly và không có triệu chứng, IRESSEF cho biết trong tuyên bố hôm 5/12.
Việc phát hiện ra biến chủng Omicron ở miền Nam châu Phi đã nêu bật lên thực tiễn là nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể tạo điều kiện cho các virus đột biến, từ đó đe dọa lây lan sang các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều. Châu Phi khó có cơ hội vượt qua đại dịch Covid-19 trừ khi 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2022. Thế nhưng, "sự phân biệt đối xử nghiêm trọng về vaccine" đang khiến châu lục này bị tụt lại phía sau, theo báo cáo được công bố ngày 6/12.
Tới nay, chỉ có 5 trong số 54 quốc gia ở châu Phi đang trên đà đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số vào cuối năm 2021, Quỹ Mo Ibrahim cho biết trong báo cáo về Covid-19 ở châu Phi, theo Reuters.
Tại châu Phi, cứ 15 người thì mới chỉ có một người được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, so với gần 70% dân số ở nhóm các nước G7, theo dữ liệu của Quỹ Mo Ibrahim.
Nguồn cung vaccine rơi vào tình trạng thiếu hụt ở châu Phi sau khi các nước phát triển đã nhanh tay đặt hàng trước tiên với các hãng dược phẩm trong khi chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu, COVAX, khởi đầu chậm chạp. Báo cáo cho biết việc cung cấp vaccine cho châu Phi đã gia tăng trong những tháng gần đây, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém và cơ sở hạ tầng hạn chế đang kìm hãm việc triển khai tiêm chủng. Ngoài ra, những rối loạn về thời hạn sử dụng ngắn của vaccine được quyên tặng, dẫn đến việc nhiều liều vaccine buộc phải bị tiêu hủy.
Hiện tại đã có hơn 40 quốc gia và khu vực đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron. Tại châu Âu, các ca nhiễm biến chủng mới này đã được xác nhận ở 16 quốc gia, bao gồm Đức và Bồ Đào Nha. Một số ca nhiễm không hề có lịch sử đi du lịch gần đây, cho thấy khả năng virus đã lây nhiễm trong cộng đồng.
Đan Mạch và Anh có số lượng người nhiễm biến chủng Omicron tăng mạnh |
Giới chức trách y tế Đan Mạch ngày 5/12 cho biết nước này chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại khi số ca nhiễm biến chủng Omicron đã tăng gấp ba lần trong 48 giờ.
Quốc gia Bắc Âu đã ghi nhận 183 ca nhiễm biến chủng Omicron, từ 18 ca nhiễm và 42 ca nghi nhiễm được công bố hôm 3/12, theo dữ liệu từ Viện Y tế Công cộng (SSI).
Đan Mạch là một trong những nước tiên tiến nhất ở châu Âu về giải trình tự biến chủng virus corona. Nước này thường phát hiện ca nhiễm nhanh hơn các quốc gia láng giềng và điều đó không đồng nghĩa với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn.
Trong khi đó, Anh cũng chứng kiến sự gia tăng lớn các ca nhiễm biến chủng Omicron. Hôm 5/12, cơ quan an ninh y tế nước này ghi nhận 86 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 246.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 3/12 cho biết chưa nơi nào trên thế giới báo cáo có người tử vong vì nhiễm biến chủng Omicron. Những người được xác định dương tính với biến chủng này cho tới nay đều chỉ có triệu chứng nhẹ.
Phóng viên (t/h)
Biến chủng Omicron có thật sự nguy hiểm? |
Các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại vẫn có tác dụng với biến chủng Omicron |
Biến chủng Omicron lây lan đến 16 bang nước Mỹ |