Trong khoảng 48h từ ngày 29 đến 30-9-1941, khoảng 33.771 người Do Thái (hầu hết là phụ nữ, trẻ em, người già) đã bị dồn vào hẻm núi dài 150m ở thành phố Kiev của Ukraine và bị hành quyết...
Ngày nay, nhiều người vẫn không biết rằng cuộc diệt chủng hơn 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến II khởi đầu không phải ở các trại tử thần như Auschwitz mà ở một khe núi ở Ukraine. Và Đức Quốc xã tận diệt người Do Thái lần đầu tiên không phải là phòng hơi ngạt mà là… súng máy.
Hàng chục nghìn người đã bị Đức Quốc xã đưa đến hành quyết tại hẻm núi chết chóc ở Ukraine cuối tháng 9-1941 |
Tội ác bị giấu kín
Cuộc hành quyết hàng loạt diễn ra dưới sự chỉ đạo của viên chỉ huy SS Paul Blobel sau khi hắn được giao nhiệm vụ tiêu diệt người Do Thái tại các vùng do Đức Quốc xã chiếm đóng ở Liên Xô. Mặc dù viên sỹ quan này (cuối cùng bị kết án tại tòa án Nuremberg vì tội ác chống lại loài người) đã từng giám sát các vụ thảm sát trước đó, nhưng lần này, quy mô của Babyn Yar (đặt theo tên gọi của một em bé sơ sinh nhỏ tuổi nhất trong vụ thảm sát) lại rất khác.
Trước đó, Đức Quốc xã đã hành quyết những người đàn ông Do Thái và để lại phụ nữ cùng trẻ em. Nhưng những gì xảy ra tại vụ thảm sát Babyn Yar đã gửi đi thông điệp rằng: Đức Quốc xã không chừa một ai. Một số nhà sử học tin rằng, nó báo hiệu sự khởi đầu của “Giải pháp cuối cùng” - kế hoạch do Heinrich Himmler nghĩ ra và được Hitler ủy quyền để tiêu diệt toàn bộ chủng tộc Do Thái. Hiện nay, khu vực này đã là một công viên, khe núi được lấp đầy để người dân Kiev đi dã ngoại, nhưng những thế hệ trẻ không biết rằng bên dưới đó ẩn chứa một trong những tội ác kinh hoàng nhất của loài người.
Mặc dù một số đài tưởng niệm đã được đặt muộn màng tại Babyn Yar kể từ khi Ukraine giành được độc lập, nhưng chưa có công trình nào có thể truyền tải hết ý nghĩa lịch sử của khu vực cũng như đủ trang trọng để tôn vinh các nạn nhân. Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra tổng thể, dự án trưng bày đồ họa tại Trung tâm tưởng niệm Babyn Yar sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về tội ác diệt chủng này.
Dựng lại khoảng tối lịch sử
Cuộc điều tra về vụ thảm sát Babyn Yar dựa nhiều vào kiến thức chuyên môn của Tiến sĩ Martin Dean - chuyên gia về tội phạm chiến tranh được đào tạo tại Đại học Cambridge (Anh quốc) và là cựu cố vấn của Cảnh sát London. Tên tuổi của Tiến sĩ Dean nổi lên vào năm 1999 với tư cách một trong những nhà điều tra tội phạm chiến tranh hàng đầu của Anh.
Ông cũng là nhà sử học chính trong vụ truy tố Anthony Sawoniuk - người duy nhất bị kết án theo Đạo luật tội phạm chiến tranh của Vương quốc Anh. Đóng giả là một người tị nạn Ba Lan để định cư ở London sau chiến tranh, Sawoniuk đến năm 70 tuổi mới tiết lộ từng là cộng tác viên của Đức Quốc xã và bắn chết ít nhất 18 người Do Thái. Người đàn ông này sau đó bị tù chung thân vì tội giết người.
Tiến sỹ Martin Dean đã khám phá ra các chi tiết như tuyến đường mà các nạn nhân đến Babyn Yar và vị trí chính xác của nhiều vụ hành quyết nạn nhân Do Thái. Sau gần 80 năm, cuộc điều tra sẽ cung cấp cho hàng nghìn gia đình những chi tiết còn thiếu về khoảnh khắc cuối đời của người thân họ. Danh tính của khoảng 18.000 người Do Thái bị sát hại trong 2 ngày cuối tháng 9-1941 đã được xác nhận.
Trong số này có tới 907 số phận mà trước đây chưa được biết đến. Nhưng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều thứ không chỉ là những cái tên. Nhiều tài liệu tiểu sử mới đã được tìm thấy như gốc gác dòng họ của các nạn nhân, nơi họ đã sống và làm việc, cách họ đấu tranh để tồn tại sau khi Đức Quốc xã tràn vào Kiev. Nguồn tư liệu mới này sẽ được trưng bày trong một viện bảo tàng được xây dựng tại Babyn Yar.
Với nhóm nghiên cứu, thu thập thông tin là một thử thách. Sau vụ thảm sát, chỉ có vài người sống sót. Ví dụ như có 1 phụ nữ giả chết bằng cách nhảy xuống khe núi trong tích tắc trước khi quân Đức xả súng và nằm hàng giờ giữa các thi thể. Nhưng đến nay, không ai trong số họ còn sống. Việc thực nghiệm hiện trường cũng chẳng có tác dụng gì vì mọi thứ đã được chôn giấu hoàn toàn dưới khe núi sâu. Nhưng bằng cách sàng lọc các tài liệu và bản đồ lưu trữ, đồng thời nghiên cứu những bức ảnh chưa từng được công bố do Đức Quốc xã chụp, nhóm điều tra đã biết được điều gì đã xảy ra. Người ta tìm thấy một số bức ảnh được chụp chỉ 1 ngày sau vụ thảm sát, khi các tù binh Liên Xô xúc đất lấp lên các xác chết.
Lại có những bức ảnh được chụp từ một chiếc máy bay bay qua địa điểm này vào khoảng thời gian diễn ra cuộc khai quật năm 1943. So sánh chúng với cuộc khảo sát địa lý năm 1924 về khe núi hiểm, các chuyên gia đã sử dụng hình ảnh 3D để tạo ra một video với những ảnh ghép đẩy nhanh thời gian thực. Nó cho thấy toàn bộ đường viền của khe núi chết chóc này đã thay đổi như thế nào sau khi hàng nghìn thi thể được chôn cất. Đoạn phim đầy ám ảnh cũng tiết lộ chính xác nơi hầu hết các vụ hành quyết được thực hiện, còn quần áo và đồ đạc của các nạn nhân nằm rải rác trong mỏ cát.
Các nạn nhân đều phải bỏ lại tư trang và quần áo trước khi bị thảm sát |
Nỗi kinh hoàng mang tên Babyn Yar
Vào ngày 26-9-1941, Đức Quốc xã đã dán sắc lệnh trên các đường phố của Kiev buộc tất cả những người Do Thái sống quanh đó phải tập hợp tại một điểm, mang theo tài liệu, vật có giá trị và quần áo ấm. Bất cứ ai không tuân thủ yêu cầu này đều sẽ bị bắn. Mặc dù Blobel dự kiến chỉ khoảng 5.000 -6.000 người nghe lệnh, nhưng thực tế đã có hơn 30 nghìn người trình diện. Người Do Thái ở Đông Âu từ lâu đã quen với những sắc lệnh như vậy, thường đó là những sắc lệnh bắt buộc họ phải tái định cư.
Tiến sĩ Dean cho biết, có một ga đường sắt vận chuyển hàng hóa không xa hẻm núi, nhưng họ phải đi bộ mất 5km mới tới nơi. Tới lúc đó, họ vẫn không biết gì về số phận của mình. Một nhân chứng mô tả, Blobel mắng một cảnh sát Đức vì đã đánh một số người Do Thái để họ tin rằng họ sẽ được an toàn. Chỉ khi đến gần mỏ cát, người ta mới nhận ra sẽ bị tàn sát theo như lời người đi trước truyền lại. Có người định quay lại nhưng họ bị dồn vào khe hẹp có binh lính và cảnh sát canh giữ.
Tính đến tháng 9-1941, Babyn Yar là vụ giết người hàng loạt lớn nhất của Đức Quốc xã ở mặt trận phía Đông. Vào năm 1943, khi quân Đức rút lui khỏi Nga và bộ chỉ huy cấp cao nhìn thấy thất bại là không thể tránh khỏi, chúng đã ra lệnh cho Blobel tiêu hủy bằng chứng về vụ thảm sát bằng cách khai quật tất cả các thi thể và đốt trên giàn hỏa thiêu khổng lồ. Khi hàng chục nghìn người đã bị sát hại ở cùng một nơi - không chỉ người Do Thái mà cả tù nhân chiến tranh Liên Xô và công dân Ukraine - nhiệm vụ này mất 1 tháng để hoàn thành.
Các tù nhân từ các trại lao động cưỡng bức bị buộc phải thực hiện việc này, và sau đó thì chính bản thân họ cũng bị hành quyết để bí mật được giữ kín. Số phận đã không mỉm cười với em bé 2 tuần tuổi Babyn Yar khi chết trong vòng tay mẹ cùng hơn 33.000 người khác ở khe núi chết chóc. Nhưng ít nhất đến giờ, họ sẽ được người đời nhớ đến.
Tiến sĩ Martin Dean, chuyên gia về tội phạm chiến tranh người Anh đã nhận trách nhiệm điều tra vụ thảm sát Babyn Yar vì theo ông, đó là việc làm đúng đắn. “Trong nhiều năm, đó là một vụ bê bối mà các nạn nhân Do Thái không hề được nhắc đến. Kể cả Liên Xô, họ chỉ nói rằng đó là một tội ác chống lại Liên Xô” - ông Dean nói. Và nhờ chuyên gia này, câu chuyện về vụ thảm sát ghê rợn ở Ukraine trong Thế chiến II đến nay mới được xâu chuỗi một cách rõ ràng.
Vì sao Đức Quốc xã muốn tận diệt người Do Thái? (Kỳ 2): Tội ác diệt chủng |
Gốc rễ tội ác tàn sát triệu người Do Thái của Hitler: Ám ảnh khôn nguôi |