Qua điện thoại riêng kết nối với phòng bác sĩ, "bệnh nhân 1552", 34 tuổi, giọng run run chia sẻ "bị sốc" khi biết mắc Covid-19, và cầu nguyện không có thêm người nhiễm.
Trao đổi với VnExpress sáng 31/1, chị cho biết trước khi phát hiện dương tính nCoV, chỉ đau đầu, chóng mặt nên nghĩ rằng bị cảm do đêm trước tắm nước không đủ ấm. Chị tới phòng khám tư ở gần nhà, được kê thuốc uống. Lúc ấy, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm phế quản.
Uống hết thuốc, chị không khỏi bệnh. Chị vẫn đi làm vào ban ngày, đến buổi tối thì cảm thấy khó chịu, hơi mệt. Ba ngày sau, chị được thông báo chị dâu đã dương tính nCoV tại Nhật, được cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm. Sáng 28/1, Bộ Y tế ghi nhận chị mắc Covid-19, định mã số "bệnh nhân 1552", chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.
"Tôi sốc, lúc đó tôi không nghĩ mình mắc bệnh", chị nói.
Cảm giác hoang mang bao trùm người phụ nữ. "Tôi rối lắm, nằm mơ hàng nghìn lần cũng không nghĩ đến vì chỉ đi làm và loanh quanh ở nhà, không đi đâu", chị nói.
Ngày đầu tiên nhập viện, chị nằm khóc, tâm trạng bất ổn, sốc, suy nghĩ rối rắm khiến chị thẫn thờ. Một người bạn báo tin thêm 72 người khác cùng công ty cũng mắc Covid-19 khiến chị sợ hãi. Hôm ấy là trưa 28/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp công bố thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia chống dịch.
"Tôi càng sốc, không còn cảm nhận được gì nữa, hóa ra dịch bệnh đã ở rất gần mà không biết", chị nói. Chị nghĩ đến hai con đang ở nhà vắng mẹ, không rõ người thân trong gia đình có ai mắc bệnh hay không. Chị không ăn được, cũng không ngủ được. Chị bám vào lời trấn an và sự động viên của bác sĩ điều trị để vượt qua cơn khủng hoảng. Ngày nào, chị cũng hỏi bác sĩ về bệnh tật, về khả năng lây nhiễm.
"Tôi hỏi nhiều lắm, có khi hỏi đến đêm muộn, bác sĩ vẫn trả lời. Họ trấn an tôi để tôi cảm thấy thoải mái hơn, hỏi tôi có ăn ngủ đúng giờ hay không", chị cho biết. Từ đó, tâm lý của chị thoải mái hơn.
Những người mắc bệnh cùng công ty tạo nhóm trò chuyện trực tuyến để hỏi thăm và cập nhật tình hình sức khoẻ. Họ trêu đùa, nhắn rằng chị được bác sĩ giỏi nhất điều trị nên phải cố gắng nhanh khỏi bệnh. Bây giờ, chị chỉ cầu mong bố mẹ, các con và người thân, bạn bè không mắc bệnh.
"Cầu trời con số nhiễm dừng lại ở đây thôi, đừng tăng lên nữa. Hy vọng tôi và những người bệnh khác được nhanh chóng khỏi bệnh, phép màu đến với chúng tôi", chị chia sẻ.
Khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân nặng tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, "bệnh nhân 1552" bị viêm phổi, phổi có tổn thương dạng nốt và kính mờ. Ngày 29/1, bệnh nhân sốt, khó thở, mệt mỏi, được chuyển từ khoa Nội tổng hợp tới khoa Cấp cứu để điều trị. Hiện, chị còn sốt song đã đỡ khó thở, đỡ mệt, ăn được.
"Bệnh nhân 1552" là ca Covid-19 ghi nhận đầu tiên của đợt bùng phát dịch lần này, cùng "bệnh nhân 1553". Chị tiếp xúc với một cô gái Hải Dương dương tính ở Nhật được xác định nhiễm biến thể nCoV từ Anh. Biến thể này có khả năng lây truyền cao khoảng 50-70% so với chủng đã biết.
Bác sĩ điều trị cho biết phác đồ điều trị cho bệnh nhân 1552 không khác biệt so với các bệnh nhân còn lại, song mức bảo hộ được tăng cao hơn để phòng nguy cơ lây nhiễm. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sính Dịch tễ Trung ương đã giải trình tự gene bệnh phẩm 2 bệnh nhân để xác định chủng virus, hiện chưa có kết quả.
Chi Lê
Hàng trăm lính Mỹ cách ly vì Covid-19 xâm nhập chiến hạm |
Quan chức Mỹ - Trung lần đầu thảo luận công khai về COVID-19 |
Những địa phương nào cho học sinh nghỉ học phòng COVID-19? |