Bộ GtVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ không triển khai thu phí tự động không dừng tại 7 trạm BOT do không đủ điều kiện, đồng thời chưa triển khai thu phí không dừng tại 2 trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91, lùi thời gian triển khai đối với 3 trạm
Bộ GTVT cho biết, dự án thu phí điện tử không dừng (ETC) bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 44 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc. Giai đoạn 2 gồm 33 trạm thu phí còn lại trên các tuyến quốc lộ.
Đến nay, 40/44 trạm giai đoạn 1 đã vận hành hệ thống ETC, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí. 4 trạm thu phí chưa triển khai thuộc 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý.
Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT cho biết, đã lựa chọn thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thứ 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn công nghệ viễn thông quân đội - Viettel) để triển khai đồng bộ. Nhà đầu tư cam kết hoàn thành lắp đặt thiết bị ETC tại 25/33 trạm đủ điều kiện triển khai.
Ba trạm BOT hoàn vốn cho QL51 được Bộ GTVT kiến nghị không triển khai thu phí không dừng |
Riêng đối với 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do đặc thù có 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, trạm cầu Mỹ Lợi và trạmThái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm QL51).
"Việc triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc. Đối với các trạm thu phí này, Bộ GTVT sẽ có giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác thu phí đảm bảo tính công khai, minh bạch", Bộ GTVT cho biết.
Đối với các trạm do địa phương quản lý có tổng số 39 trạm, cơ bản các địa phương đều cam kết kết hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai ETC đối với 4 trạm do tỉnh này quản lý vì các trạm này thu phí các công trình cầu có quy mô nhỏ, xe ô tô qua các cầu không nhiều mà chủ yếu là mô tô 2 bánh, việc lắp đặt ETC gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo tính khả thi.
Bộ GTVT thông tin, trong tổng số 15 địa phương (không bao gồm tỉnh Cà Mau) với 35 trạm thu phí, hiện có 19/35 trạm đã triển khai lắp đặt thiết bị, vận hành và kết nối với dự án của Bộ GTVT, 11/35 trạm đang triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị và đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, 5/35 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện, sẽ triển khai ETC khi đưa dự án BOT vào vận hành khai thác.
Về tổng thể đến 31/12/2020 cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngoại trừ 4 trạm do VEC quản lý, 8 trạm không đủ điều kiện triển khai và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai.
Để phù hợp với lộ trình và điều kiện thực hiện, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT không triển khai thu phí tự động không dừng tại 3 trạm thu phí hoàn vốn QL51 do có thời gian thu phí còn lại ngắn và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau quản lý theo đề xuất của tỉnh này.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị chưa triển tại 2 trạm (Bờ Đậu - QL3, trạm T2 - QL91) do chưa đủ điều kiện triển khai thu phí điện tử không dừng.
Lùi thời gian triển khai thu phí điện tử không dừng tại 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm cầu Thái Hà, trạm Cầu Mỹ Lợi và trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh), giao Bộ GTVT xem xét, quyết định thời điểm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Thủ tướng: Dừng hoạt động các trạm BOT không thu phí tự động từ 31/12 |
11 trạm BOT trì hoãn triển khai thu phí tự động không dừng |