Sau dịch COVID -19, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại cố gắng vừa đảm bảo an toàn cho người lao động (NLĐ), vừa ổn định tình hình sản xuất. Vì vậy, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được DN đặc biệt quan tâm đặt lên hàng đầu...
Theo chia sẻ của TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty FIMEX VN, thì từ nửa tháng nay, các tỉnh miền Tây liên tục có nhiều ca nhiễm và các ổ dịch mới, khiến các DN tôm cũng luôn trong tình trạng lo âu, căng thẳng.
Cứ nghe tin ấp, xã nào có người nhiễm bệnh là DN phải rà soát lại NLĐ của mình có ai liên quan hoặc chỗ ở gần gũi… để sàng lọc, xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ. Còn trong DN, khi tầm soát y tế phát hiện NLĐ nghi dương tính, giải pháp của DN là nhanh chóng tăng tần suất tầm soát. Trước đây 7 ngày kiểm 20%, sau đó tăng lên 3 ngày kiểm 20%, thì nay 3 ngày phải xong một lượt kiểm cho toàn bộ NLĐ.
Thậm chí thêm kiểm PCR cho an toàn. Tới bây giờ, đại đa số DN tôm đều đã trải qua ít nhất 1 lần xử lý F0 trong DN. “Ngày 28/10, Ủy ban Tôm VASEP đã họp bàn các nội dung liên quan việc phục hồi hoạt động các DN chế biến nói riêng, ngành tôm nói chung và cái nhìn cho tương lai gần về nguyên liệu, thị trường…
Ý kiến số đông là giữ vững an toàn trước khi triển khai sản xuất, an toàn mới sản xuất. Mong là các nhà điều hành DN tôm sẽ cụ thể hóa suy nghĩ ra hành động thiết thực, khẩn trương, kịp thời để giữ vững thành trì của từng DN và nhất là quyết tâm không để gãy đổ chuỗi sản xuất con tôm”, ông Lực thông tin.
Tương tự, tại Công ty TNHH Pouyuen, do tác động của đại dịch COVID-19, công ty có khoảng 6% tổng số NLĐ đã nghỉ việc. Vì vậy, công ty đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động, nhiều đơn hàng lớn bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Ngày 6/10 công ty đã mở cửa hoạt động trở lại.
Để đón số lượng lớn công nhân trở lại làm việc sau dịch, đơn vị tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo 5 đợt cho gần 40.000 NLĐ và đã phát hiện có 147 ca dương tính. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh định kỳ cho công nhân có nguy cơ cao vào ngày thứ 3 hằng tuần. Với những trường hợp F0, công ty tiến hành cách ly vào khu cách ly tạm thời tại công ty, báo cáo về Trung tâm Y tế địa phương để xử lý...
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cũng cho rằng, hiện nhiều DN ngành may cũng đã ghi nhận có trường hợp công nhân trong nhà máy bị nhiễm COVID-19.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, khẳng định: “Muốn DN và NLĐ yên tâm sản xuất và sống chung với dịch bệnh COVID -19 rất cần có những khu cách ly, khu điều trị ở các KCX- KCN. Những khu này sẽ xử trí nhanh các ca bệnh”.
Một số các KCX – KCN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch hoặc đã triển khai xây dựng các khu cách ly, khu điều trị để xử lý F0 kịp thời. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã xây dựng Khu cách ly tập trung tạm thời với 200 giường bệnh, tiếp nhận các bệnh nhân là NLĐ có kết quả PCR dương tính nhẹ, hoặc không triệu chứng, không có bệnh nền, và không đủ điều kiện tự cách ly tại nhà. Đến nay, khu cách ly tập trung đã hoàn tất giai đoạn đầu, từ 50 - 70 giường.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCX– KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, Hiệp hội cũng có kiến nghị thành phố cho phép thành lập các khu thu dung điều trị trong KCN để điều trị tại cho công nhân bị nhiễm COVID -19. Theo đó, các nhà đầu tư tham gia cơ sở y tế ban đầu cho khu thu dung, bệnh viện dã chiến. Phần còn lại là nhân viên và chính sách điều trị thì Nhà nước “gánh” cùng DN nhằm đảm bảo an toàn sản xuất.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, TP Hồ Chí Minh có 12.860 DN tạm ngừng hoạt động. Đến đầu tháng 11/2021, số DN đăng ký mở lại hoạt động là 7.872 DN. Hiện nay, các DN tại TP Hồ Chí Minh đang hoạt động theo các Bộ tiêu chí an toàn vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất.
T.Hà – T.Giang
Người lao động trở về từ vùng dịch: ‘Bây giờ về quê thì làm gì?’ |
Công đoàn PV GAS: Đổi mới phương thức hoạt động, nỗ lực chăm lo cho người lao động trong đại dịch |