Dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã khiến rất nhiều lao động rơi vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp. Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mỗi tháng, đơn vị này tiếp nhận khoảng 8 nghìn hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tình thế này khiến chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành “cứu cánh” của người lao động trong việc duy trì cuộc sống trước mắt cho đến khi tìm được việc làm mới và quay trở lại thị trường lao động.
Vơi bớt nỗi lo cơm áo
Gần 1 tháng nay, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội, với không ít lao động mất việc, đây là quãng thời gian thực sự khó khăn với nỗi lo cơm áo, tuy nhiên với những người được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nỗi lo này cũng được vơi bớt phần nào.
Chị Nghiêm Thị Dinh (Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết, với khoản trợ cấp thất nghiệp hơn 3 triệu đồng/tháng, gia đình chị cũng đỡ phải lo lắng hơn về lương thực, thực phẩm trong lúc giãn cách. Trước đây chị làm nhân viên kinh doanh của chuỗi cửa hàng đồ thời trang, với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4, công ty bắt buộc phải đóng cửa phần lớn các điểm bán hàng, chị buộc phải nghỉ việc.
“Lúc phải nghỉ việc, tôi cũng rất lo vì dịch thế này, tìm kiếm việc làm mới là không đơn giản. Không có thu nhập, các chi phí sinh hoạt thiết yếu cũng chưa biết tính sao. Cuối tháng 5, tôi làm hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, may mắn là hồ sơ được duyệt chỉ sau ít ngày. Những ngày giãn cách vừa qua, thấy không ít người phải đối mặt với nỗi lo thiếu lương thực, thực phẩm mới thấy mình vẫn còn may mắn. Mỗi tháng được hưởng hơn 3 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn. Hiện tại tôi chỉ mong dịch sớm được khống chế để tôi có thể tìm việc làm mới”, chị Dinh cho hay.
Đầu tháng 7, khi dịch COVID-19 ở Hà Nội bắt đầu phức tạp, anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Cầu, Hà Đông) cũng quyết định nghỉ việc. Công việc của anh là lái xe cho một doanh nghiệp vận tải, giao hàng trên địa bàn Hà Nội. Anh Tuấn cho hay, từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, công ty đã bị ảnh hưởng nhiều, thu nhập của lao động giảm, anh cũng từng có ý định nghỉ việc, tuy nhiên tìm kiếm được việc làm mới phù hợp là không dễ nên anh cố gắng duy trì.
“Trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay thì nghề lái xe không còn phù hợp với tôi nữa nên tôi quyết định nghỉ việc. Sau đó, tôi làm hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, và đã có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3,6 triệu đồng/tháng. Bắt đầu hưởng từ tháng 8. Khi nộp hồ sơ xong, tôi được tư vấn, hướng dẫn đăng ký tìm việc làm tại một công ty khác. Tuy nhiên, Hà Nội đang giãn cách xã hội nên tôi dự định chờ dịch bệnh lắng xuống sẽ tiếp cận những cơ hội việc làm mới”, anh Tuấn chia sẻ.
Lao động mất việc sẽ tăng cao
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, người lao động từ 25 - 40 tuổi đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành hoạt động dịch vụ, xây dựng, công nghệ chế biến, chế tạo. Hiện người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp có 2 nhóm là tự nghỉ việc và công ty, doanh nghiệp cho nghỉ việc.
Số lượng hồ sơ đề nghị thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động, phụ thuộc vào kết quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước. Số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm dần qua các tháng nếu dịch được kiểm soát tốt. Nhưng nếu kịch bản xấu xảy ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các hoạt động công nghiệp, dịch vụ sẽ suy yếu dẫn đến việc lao động mất việc làm hằng tháng sẽ tăng cao.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tạm dừng các giao dịch làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại trụ sở chính, các cơ sở và các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Thời gian này được chuyển từ hình thức trực tiếp sang gián tiếp. Người lao động gửi hồ sơ qua đường bưu điện; thông báo tìm kiếm việc làm, thông báo trả kết quả qua zalo, email, điện thoại tới 1 trong 15 cơ sở, điểm sàn giao dịch việc làm vệ tinh cho đến khi có thông báo mới từ UBND TP Hà Nội.
Quy trình đã được đăng tải công khai trên website của Trung tâm, cổng thông tin của Sở LĐ-TBXH Hà Nội và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, trung tâm đã lập số điện thoại đường dây nóng và 15 đầu số điện thoại của 15 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh.
“Chúng tôi cố gắng hết sức để giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong thời điểm này, các đường dây nóng của Trung tâm và các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh luôn trong tình trạng quá tải. Chúng tôi mong muốn người lao động cố gắng phối hợp tốt với Trung tâm, tìm hiểu các thông tin trên website (vieclamhanoi.net), thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn vừa đảm bảo quyền lợi, vừa đỡ gây sức ép cho cán bộ thực hiện. Trong trường hợp có điều gì chưa hiểu, người lao động gọi điện đến đường dây nóng để được giải đáp”, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.
Dự báo về tình trạng việc làm thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, kịch bản xấu nhất khi dịch bệnh chưa thể được kiểm soát. Số ca mắc mới ngoài cộng đồng ngày càng tăng và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường. Quá trình tiêm chủng vaccine triển khai chậm do thiếu nguồn cung. Thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thưởng như lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức. Thất nghiệp gia tăng, số lao động mất việc làm hằng tháng sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 7-8 nghìn lao động/tháng. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 30-40%.
Phan Hoạt
Đến cuối năm 2020, hơn 100.000 lao động Hà Nội sẽ mất việc |
Ngân hàng chuộng đi bán bảo hiểm |
Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả BHXH, BHYT, BHTN |