Bài toán khi doanh nghiệp tại Bắc Giang khôi phục sản xuất

Một phần diện tích nhà máy "biến" thành chỗ ăn, ở cho công nhân, nhưng để khoảng 400 công ty tại Bắc Giang sản xuất trở lại từ 1/7 thì nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Trong gần một tháng khôi phục hoạt động 4 khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng, 178 doanh nghiệp được chấp thuận hoạt động trở lại với hơn 19.300 lao động. Trong đó, 22 doanh nghiệp là vendor (nhà cung cấp) của Samsung với hơn 4.400 lao động đã làm việc, bằng khoảng 46% số lao động doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Thực tế số lao động chính thức trở lại làm việc ít hơn, 15-20% trong tổng số 140.000 lao động.

Sản xuất lại đã gần ba tuần nay, Công ty Hiraki Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám, Việt Yên, Bắc Giang) mới đạt 30% số lao động trở lại làm việc so với trước khi dịch bùng phát.

Để có được lao động lúc này, một phần trong tổng diện tích 10.000 m2 nhà xưởng được doanh nghiệp này chuyển đổi công năng thành chỗ ăn, ở cho công nhân theo quy định của chính quyền địa phương. Doanh nghiệp cũng bố trí xe đưa đón công nhân đi làm hàng ngày.

Bài toán khi doanh nghiệp tại Bắc Giang khôi phục sản xuất
Công nhân Bắc Giang trở lại nhà máy làm việc sau thời gian gián đoạn vì dịch, cuối tháng 5/2021. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

"Mỗi ngày số công nhân quay trở lại làm việc tại nhà máy tăng thêm một ít, giờ mới có 60-70 lao động đi làm lại", ông Nguyễn Đức Cường - Tổng giám đốc Công ty Hiraki Việt Nam nói và cho biết, doanh nghiệp đang đối diện với thiếu hụt lao động trong quá trình tái khởi động sản xuất.

Ngay cả với phương án tỉnh mới đưa ra gần đây, cho phép doanh nghiệp bố trí chỗ ở cho công nhân theo hướng ở cả trong lẫn ngoài khu vực sản xuất, theo ông Cường cũng không dễ dàng. Doanh nghiệp tăng chi phí khi phải trả tiền thuê chỗ ăn, ở cho công nhân, chi phí thuê xe đưa đón...

Với doanh nghiệp có tới 11.000 lao động như Crytal Martin, phương án bố trí ăn ở tại chỗ hay thuê chỗ ở cho công nhân cũng đều khó. "Số lượng lao động đông nên doanh nghiệp cũng không thể bố trí thêm chỗ ăn, ở tại khu kí túc xá", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ và hy vọng Bắc Giang sớm có phương án tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và "hút" được lao động trở lại làm việc.

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng Ban quản lý khu công nghiệp Bắc Giang, các doanh nghiệp đều sản xuất theo dây chuyền liên hoàn, thiếu một mắt xích sẽ không hoàn thiện được sản phẩm. Nên trước những nút thắt của doanh nghiệp trong thời gian đầu khôi phục lại sản xuất, tỉnh Bắc Giang quyết định "nới" biện pháp phòng dịch theo hướng phân luồng người lao động theo vùng xanh (an toàn dịch bệnh) và vùng vàng (nguy cơ lây nhiễm thấp) và di chuyển đảm bảo "2 điểm, 1 dừng".

Với người lao động đang ở trong "vùng xanh" thuộc tỉnh Bắc Giang, họ được lựa chọn ở tại nơi lưu trú của doanh nghiệp hoặc đi làm và trở về nơi cư trú, tạm trú hàng ngày bằng phương tiện cá nhân hoặc xe đưa đón công nhân của doanh nghiệp. Lao động trước khi quay trở lại làm việc một ngày phải được xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR.

Nếu lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến nhà xưởng, phải thực hiện nguyên tắc "2 điểm, 1 đường". Tức là, công nhân phải cam kết chỉ di chuyển từ nơi cư trú, tạm trú đến doanh nghiệp và ngược lại, không được phép dừng, đỗ, đi vào những nơi khác tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài.

Với lao động ở trong "vùng vàng", doanh nghiệp phải bố trí nơi lưu trú tập trung, phương tiện đưa đón theo nguyên tắc trên mỗi phương tiện chỉ có công nhân một doanh nghiệp. Xe chở công nhân không được phép dừng, đỗ, đi vào những nơi khác ngoài điểm đón, trả.

Tỉnh Bắc Giang cũng cho phép doanh nghiệp đón lao động ngoài tỉnh, nơi có nguy cơ thấp. Tỉnh này đã thiết lập các "vùng xanh" dành cho lao động tới từ các tỉnh ngoài Bắc Giang. Hoạt động đưa đón công nhân vẫn phải tuân thủ nguyên tắc "2 điểm, 1 đường"; doanh nghiệp phải xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR, có kết quả âm tính mới được vào làm việc.

Hàng ngày Sở Y tế Bắc Giang sẽ công bố công khai các "vùng xanh" để người dân, doanh nghiệp theo dõi, giúp họ chủ động kế hoạch sản xuất, đưa đón công nhân.

Với quyết định phân luồng lao động theo vùng xanh - vàng, bài toán khó khăn lao động phần nào được tháo gỡ. Tuy vậy, ngoài chuyện thiếu hụt lao động sản xuất, mối lo của nhiều ông chủ doanh nghiệp tại Bắc Giang lúc này là làm sao "nối lại" chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn khi buộc dừng sản xuất do Covid-19.

Trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát và Bắc Giang trở thành tâm dịch, nhà máy rộng hơn 10.000 m2 của Hiraki Việt Nam tại Khu công nghiệp Đình Trám hoạt động hết công suất với 400-500 bộ khuôn mẫu cho các đối tác Canon, Panasonic, Kyoceca... mỗi ngày. Nhưng từ khi dịch xảy ra, đối tác thu khuôn, chuyển nơi khác để tránh đứt đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng đơn hàng của họ.

Ông Cường cho rằng, dù nhà máy được hoạt động sản xuất hoàn toàn trở lại, ít nhất phải sau 3 tháng mới có thể khôi phục được trạng thái như trước khi có dịch.

Mặt khác do là một nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất, doanh nghiệp như Hiraki chỉ khôi phục hoàn toàn doanh số nếu các nhà cung ứng còn lại trở lại sản xuất. Đây cũng là đặc thù của mô hình sản xuất theo chuỗi.

Chẳng hạn, ba doanh nghiệp Việt là đối tác cung ứng, cùng tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài với từng khâu đoạn sơn mạ, khuôn nhựa, ốc vít... Giả sử một trong 3 doanh nghiệp này bị dừng sản xuất do dịch, các doanh nghiệp còn lại cũng bị ảnh hưởng khi đối tác FDI không thể hoàn thiện được sản phẩm hoàn chỉnh. Trong khi trước đó, để vào được chuỗi sản xuất của các đối tác nước ngoài là quá trình gian nan.

Dừng 4 khu công nghiệp từ đầu tháng 5, theo tính toán. khiến giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng, 140.000 lao động phải nghỉ việc. Vì thế, cân đối dòng tiền với nhiều doanh nghiệp đang là bài toán khó trong bối cảnh vừa chống chọi với Covid-19, vừa đảm bảo sản xuất, có doanh thu trả lương người lao động.

Các doanh nghiệp đề xuất cơ quan có thẩm quyền nên xem xét giãn, hoãn chi trả bảo hiểm, các khoản vay, tiền thuê đất... tránh chuyện họ bị "gãy" dòng tiền do dừng sản xuất khá lâu. Bởi, số doanh nghiệp nhỏ không có tích luỹ, quỹ dự phòng thì để gắng gượng vượt qua đợt dịch lần này, rất khó khăn.

Ngoài ra, họ cũng mong muốn tăng lượng công nhân được tiêm vaccine Covid-19, khi đây vẫn được coi là "chìa khoá chốt chặn để trở lại trạng thái bình thường mới".

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày 25/6, ông Phan Thế Tuấn - Phó chủ tịch UBND Bắc Giang cho biết, tỉnh tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và những người làm dịch vụ liên quan. Các tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đưa ra phương án cụ thể "khó đến đâu gỡ đến đó", nhằm cơ bản đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất nhanh nhất từ 1/7.

Tỉnh này đặt mục tiêu đưa 30.000 công nhân trở lại làm việc vào cuối tháng 7 và cuối năm đạt 120.000 người tại 4 khu công nghiệp.

Anh Minh

Bắc Giang gỡ giãn cách xã hội thêm 2 huyện Bắc Giang gỡ giãn cách xã hội thêm 2 huyện
Bắc Giang đưa công nhân ngoài tỉnh trở lại làm việc Bắc Giang đưa công nhân ngoài tỉnh trở lại làm việc
/ vnexpress.net