Cách bầu cử chưa đầy hai ngày, các tỉnh thành ghi nhận 131 ca Covid-19, tâm dịch vẫn là Bắc Giang.
21/5 trở thành ngày thứ tám liên tiếp ca nhiễm gia tăng trên đà ba con số. Cả nước công bố 1.893 bệnh nhân trong vòng 25 ngày, gấp gần 2,4 lần so với tổng số ca mắc hồi đầu năm ở tâm dịch Hải Dương.
Dịch đã lan ra 30 tỉnh thành, gần một nửa địa phương trong nước, rộng nhất trong số bốn làn sóng Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay.
Bích chương cổ động trước kỳ bầu cử trên phố Hoàng Cầu (Đống Đa). Ảnh: Ngọc Thành |
Dịch tiếp diễn khó lường ở một số địa phương, xuất hiện ca nhiễm mới chưa rõ nguồn lây. Tại Hà Nội, nam thanh niên 24 tuổi phát hiện dương tính, bốn ngày sau khi khám đau tức ngực tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất. Cơ quan chức năng phán đoán người này có thể lây nhiễm trong khu cách ly do dùng chung nhà vệ sinh, phòng có ô thông khí với buồng cách ly ca dương tính đang điều trị tại đây.
Ở phía Nam, TP HCM đã tạm thời phong tỏa chợ Phú Nhuận; dừng hoạt động ăn uống tại chỗ của các quán "dưới 10 lao động", chỉ được bán mang về. Ba ngày qua, thành phố liên tiếp xuất hiện 5 ca nhiễm cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
Trong tâm dịch Bắc Giang xuất hiện lác đác ca nhiễm trong cộng đồng, là nông dân, giáo viên, học sinh, sau nhiều ngày chỉ ghi nhận các ca nhiễm gia tăng trong nhà máy.
Hôm qua cũng là ngày ghi nhận liên tiếp hai nữ bệnh nhân Covid-19 tử vong trong đợt dịch này. Bệnh nhân 70 tuổi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và cụ bà 89 tuổi ở Đà Nẵng tuổi cao, đều có nhiều bệnh lý nền. Các chuyên gia y tế đánh giá đợt dịch này nhiều bệnh nhân tiến triển nặng, trong đó 55 ca tiên lượng rất nặng.
Với tâm thế "không vì dịch bệnh mà không tổ chức được bầu cử", các tỉnh thành đều lên sẵn kịch bản cử tri đi bỏ phiếu trong đại dịch, không để điểm bỏ phiếu trở thành nơi lây lan Covid-19.
Chuẩn bị bầu cử trong bối cảnh xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng, Bắc Giang đã kêu gọi người dân "nhà nhà cửa đóng then cài, không đến nhà ai, không ai đến nhà" để tập trung dập dịch. Hơn một triệu cư dân (khoảng 60% dân số) các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang và Lục Nam đang cách ly xã hội và toàn bộ TP Bắc Giang đang giãn cách theo chỉ thị 15.
Cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) diễn tập bầu cử, ngày 20/5. Ảnh: Giang Huy |
Bắc Giang xác định không kịp dập dịch xong trước ngày bầu cử, cũng không xin bầu cử sớm. Tỉnh chủ trương sẵn sàng các phương án cho ngày 23/5. Hơn 1,4 triệu cử tri trên địa bàn sẽ đi bỏ phiếu với tinh thần giãn cách triệt để...
Nằm cận kề tâm dịch, Bắc Ninh ghi nhận 391 ca nhiễm cộng đồng. Hôm nay, hơn 3.300 cử tri gồm công an, quân nhân làm nhiệm vụ bảo vệ bầu cử, người làm việc và cách ly trong các khu cách ly tập trung sẽ đi bỏ phiếu sớm một ngày. Bắc Ninh trước đó đã xin phép và được Hội đồng bầu cử Quốc gia đồng ý cho một số khu vực thuộc TP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Gia Bình bầu cử sớm.
Lần đầu tiên, 69,2 triệu cử tri Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu với khẩu trang, nước sát khuẩn và giãn cách trong đại dịch. Ảnh: Giang Huy |
Nhiều tín hiệu tích cực về vaccine là điểm sáng trong bối cảnh các ca lây nhiễm gia tăng mạnh.
Bộ Y tế ngày hôm qua đã phân bổ gần 1,7 triệu liều vaccine Covid-19 do Covax tài trợ cho các đơn vị. Bắc Giang và Bắc Ninh nhận khoảng 30.000 liều. Các tỉnh miền Bắc được điều phối 688.000 liều; miền Trung nhận 203.000 liều; Tây Nguyên 81.000 liều và miền Nam tiếp nhận 460.000 liều. Số còn lại phân bổ cho lực lượng công an, quân đội, đơn vị kiểm định lưu mẫu và 48 bệnh viện, trường đại học.Cùng ngày, Bộ tiếp nhận 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vaccine từ các đơn vị tài trợ cho Quỹ mua vaccine Covid-19. "Để đảm bảo 150 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho 75 triệu người Việt Nam, Bộ Y tế đang nỗ lực tìm kiếm để có đủ vaccine tiêm chủng cho người dân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ra nghị quyết dùng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020 để mua vaccine. Kinh phí trích từ ngân sách trung ương, địa phương và huy động viện trợ, tài trợ từ xã hội.
Để giải bài toán "150 triệu liều vaccine cho 75 triệu người", Bộ Tài chính ước tính cần khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, còn 9.200 tỷ do ngân sách địa phương đảm nhận và huy động từ nguồn xã hội hóa.
Sau bầu cử một tháng rưỡi sẽ là cuộc "vượt vũ môn" của hơn một triệu học sinh khối 12 cả nước.
800.000 em trong số đó sẽ xét tuyển để vào các trường đại học. Ôn thi trong khu cách ly tập trung, nơi phong tỏa thực sự là những ngày "ngồi trên đống lửa" của học sinh tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang. Bất kỳ biến động nào, dù nhỏ, cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của những học sinh cuối cấp."Điều em mong muốn nhất bây giờ là cả nhà được bình an, việc thi cử của em không bị ảnh hưởng", Phương, một nữ sinh Bắc Ninh nói, khi đang ôn thi trong khu cách ly tập trung của quân đội vì anh trai cô đã nhiễm Covid-19.
Ngày hôm qua, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên ra công văn cấm học sinh khối 9 và khối 12 ra khỏi tỉnh. Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh này lý giải "để đảm bảo an toàn" cho tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra vào đầu tháng 6 và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tiếp sau đó một tháng. Toàn bộ cán bộ, giáo viên cấp hai, cấp ba được yêu cầu không đến vùng có dịch đã được ngành y tế công bố từ ngày 21/5 cho đến khi hoàn thành cả hai kỳ thi trên.
Hoàng Phương