Armenia - Azerbaijan tiếp tục giao tranh

Quân đội Armenia, Azerbaijan tiếp tục triển khai thêm nhiều vũ khí hạng nặng tới nơi đụng độ, bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn.

"Các cuộc đụng độ ở mức độ khác nhau diễn ra suốt đêm qua tại khu vực Nagorno-Karabakh. Đối phương tiếp tục sử dụng những khí tài hạng nặng như pháo binh và tăng thiết giáp, trong đó có hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia cho biết hôm nay.

Giao tranh dữ dội bùng phát giữa hai bên từ ngày 27/9, kéo dài xuyên đêm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vào sáng 28/9, khi cả hai phía đều hứng chịu nhiều thiệt hại về người và khí tài. Cả Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố giành chiến thắng cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.

Quân đội Armenia cho biết đã ngăn chặn các đợt tấn công và "gây thiệt hại nặng cho đối phương về nhân lực và trang thiết bị quân sự". Bộ Quốc phòng Armenia trước đó thông báo phá hủy ba xe tăng, bắn rơi hai trực thăng cùng ba thiết bị bay không người lái Azerbaijan.

Azerbaijan cáo buộc Armenia pháo kích nhằm vào thị trấn Terter với dân số 19.000 người ở biên giới hai nước. "Những biện pháp phù hợp sẽ được tiến hành nếu các hoạt động này không chấm dứt", Bộ Quốc phòng Azerbaijan ra thông cáo cho hay.

Quân đội Azerbaijan trước đó cho biết đã tiến hành chiến dịch phản công khiến ít nhất 550 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng hoặc bị thương, cùng với đó là hàng chục xe tăng, pháo và hệ thống phòng không bị phá hủy. Armenia bác bỏ con số này, trong khi nguồn tin tại Nagorno-Karabakh cho biết ít nhất 31 binh sĩ Armenia đã tử trận.

Xung đột bùng phát sau khi Armenia cáo buộc Azerbaijan thực hiện một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh nhằm vào vùng Nagorno-Karabakh, nhưng Azerbaijan khẳng định họ chỉ hành động để đáp trả các cuộc pháo kích từ phía Armenia.

Hai bên liên tục công bố video các cuộc tấn công gây thiệt hại cho đối phương, nhưng từ chối xác nhận con số thương vong của mình.

Bộ Ngoại giao Nga, trung gian hòa giải xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, kêu gọi cả hai bên lập tức ngừng bắn và kết hợp tổ chức đàm phán. Iran cho biết sẵn sàng làm trung gian tổ chức các cuộc đàm phán và thảo luận ngừng bắn giữa hai bên.

1110 5563187097a nagorno karabakh s 2983 7608 1601268688
Vị trí vùng Nagorno-Karabakh. Đồ họa: SETA.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay đang xem xét tình hình xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh, bày tỏ mong muốn hòa giải xung đột. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi các bên xung đột hợp tác với Mỹ, Pháp và Nga, những nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhằm "nối lại đàm phán càng sớm càng tốt".

Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết khúc mắc, nhưng chưa tìm ra giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Vũ Anh (Theo RT)

Toàn cảnh cuộc xung đột bất ngờ ở giữa Armenia và Azerbaijan Toàn cảnh cuộc xung đột bất ngờ ở giữa Armenia và Azerbaijan
Căng thẳng biên giới Armenia-Azerbaijan: 2 sỹ quan cao cấp thiệt mạng Căng thẳng biên giới Armenia-Azerbaijan: 2 sỹ quan cao cấp thiệt mạng
/ vnexpress.net