Lũ lụt ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ xảy ra ở cả thượng nguồn và hạ lưu đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử trong mùa hè năm nay.
Hình ảnh vệ tinh về lũ lụt ở các thành phố lớn dọc theo sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc trong đợt lũ số 2 của năm nay được Taiwan News công bố hôm 7.8.
Công ty chụp ảnh vệ tinh Canada ProImagery đã cung cấp hình ảnh của các thành phố Vũ Hán, Nam Xương và Trùng Khánh trước khi các đợt lũ lớn bắt đầu và sau khi "trận lũ số 2" bắt đầu tàn phá khu vực. Những hình ảnh được chụp bằng vệ tinh có độ phân giải cao PlanetScope và được ProImagery xử lý.
Trùng Khánh
Trùng Khánh ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, bắt đầu hứng mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng hôm 15.7.
Những trận mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng trên khắp thành phố khiến 188.025 người ở 19 quận, huyện bị ảnh hưởng, 1.000 ngôi nhà bị phá hủy và 6.000 ha hoa màu bị ngập, theo China News Service.
Quận Du Trung ở Trùng Khánh trước (27.4) và sau lũ (19.7). Ảnh: ProImagery. |
Hình ảnh trước và sau lũ ở Trùng Khánh cho thấy những bờ cát, đảo và bến tàu ở các quận Du Trung và Nam Ngạn có thể nhìn rõ trong tháng 4 đã bị nước lũ màu nâu dày dặc bao phủ trong tháng 7.
Ảnh vệ tinh chụp quận Nam Ngạn ở Trùng Khánh trước (27.4) và sau lũ (19.7). Ảnh: ProImagery. |
Lưu lượng tàu thuyền chở hàng hóa trên sông Dương Tử đoạn qua Trùng Khánh dường như đã giảm xuống 0 trong tháng 7.
Vũ Hán
Vũ Hán - nơi khởi phát đại dịch COVID-19 nằm ven sông Dương Tử, hạ lưu đập Tam Hiệp do đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi lũ lụt. Mực nước dâng cao đáng kể ở Vũ Hán kể từ hồi cuối tháng 6.
Ảnh vệ tinh lũ lụt ở quận Đông Tây Hồ, Vũ Hán trước (23.5) và sau lũ (23.7). Ảnh: ProImagery. |
Ngày 17.7, Tân Hoa Xã cho biết, "trận lũ lụt số 2" năm 2020 đã hình thành trên thượng nguồn sông Dương Tử. Trận lũ lớn đổ về đập Tam Hiệp với dòng chảy cực đại lên tới 61.000 mét khối mỗi giây vào lúc 8 giờ sáng ngày 18.7, đánh dấu đợt lũ lụt lớn nhất đổ về đập Tam Hiệp cho tới thời điểm đó. Đập Tam Hiệp cũng xả lũ ở mức 33.000 mét khối mỗi giây. Trong ảnh là ngày 23.7, mực nước sông Dương Tử dâng cao hơn nhiều so với hình ảnh cách đó 2 tháng.
Hình ảnh khác của quận Đông Tây Hồ, Vũ Hán trước (23.5) và sau lũ (23.7). . Ảnh: ProImagery. |
Nam Xương
Nam Xương nằm cạnh hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, ở khu vực hạ lưu sông Dương Tử.
Hôm 18.7, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, lực lượng cứu hộ đã hoàn tất đoạn đê vỡ dài 188 mét ở hồ Bà Dương. Đoạn đê vỡ dài 188m trong suốt 9 ngày đã gây ra lũ lụt trên diện rộng trên 15 ngôi làng và các cánh đồng nông nghiệp ở tỉnh Giang Tây. Hơn 14.000 người đã phải sơ tán.
Ảnh vệ tinh quận Đông Hồ, Nam Xương trước (19.5) và sau lũ (17.7). Ảnh: ProImagery. |
Trong ảnh ngày 19.7 có thể thấy các hòn đảo và những khu vực cây xanh ven sông Dương Tử đã hoàn toàn bị nhấn chìm trong nước lũ, khác hẳn với màu xanh tươi sáng vào ngày 17.7.
Sau 2 tháng mưa lớn và lũ lụt kinh hoàng trên sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và sông Hoài Hà, hôm 29.7, Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết, tính tới 28.7, "lũ lụt do mưa gây ra" đã ảnh hưởng đến 54,8 triệu người tại 27 khu vực cấp tỉnh thành.
Do thiên tai quy mô lớn ở Trung Quốc, 158 người chết hoặc mất tích. Có 3,76 triệu người đã được sơ tán khỏi các khu vực bị lũ lụt tàn phá. Do mưa lũ, 41.000 ngôi nhà bị sập và 368.000 ngôi nhà bị hư hại. Tổng cộng 5,28 ha đất nông nghiệp bị phá hoại và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 144,43 tỉ nhân dân tệ (khoảng 20,66 tỉ USD).
Thanh Hà
Trung Quốc sẽ ra sao nếu thảm họa ập xuống sông Dương Tử? |
Mưa lũ Trung Quốc chuyển miền bắc, đến lượt sông Hoàng Hà chịu trận |
Bão Hagupit đổ bộ vào Trung Quốc gây sóng lớn, đổ sập nhà cửa |