Gần 2.000 cầu dân sinh được xây dựng sau sự kiện cô giáo chui túi nilon qua suối tới trường ở Điện Biên (2014). Cả nước vẫn còn nhiều nơi vượt sông, suối cần mong có cầu.
Sau ngày khai trường những em học sinh lớp 6 thôn Tân Hồ vội vã lên chiếc thuyền đánh cá nhỏ được tận dụng làm phương tiện đi lại để qua sông về nhà.
Khi đến giữa sông, sóng mạnh, thuyền tròng trành lật úp khiến 4 học sinh chìm nghỉm rồi bị cuốn xa 5km. Chủ đò may mắn bám được thân gỗ trôi sông sống sót.
Ông Dung cho biết, khi chưa có cây cầu dân sinh Tân Hồ, việc đi lại của người dân rất khó khăn |
Sau vụ lật thuyền ấy, dù sợ hãi, người dân Tân Hồ vẫn không còn cách nào khác để qua sông nên nhiều tai nạn thương tâm vẫn xảy ra. Cách đây vài năm, chị dâu của ông Dung bị chết đuối khi bám bè qua sông, gặp nước chảy xiết.
"Không chỉ khó khăn đi lại, 2/3 thu nhập của dân xã Sơn Tân từ việc trồng chè, mít bên kia sông. Mùa nước lên, nông sản làm ra không sang thu hoạch, mang đi bán được, người dân đành ngậm đắng nuốt cay nhìn sản phẩm hư hỏng", ông Dung chia sẻ.
Người dân Tân Hồ sung sướng khi có cầu |
Cuối tháng 10/2018, chiếc cầu dân sinh Tân Hồ rộng 3,5m, dài 144m (tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng) được khởi công xây dựng và nay đã hoàn thành.
“Cầu Tân Hồ là niềm mơ ước bao năm nay của người dân chúng tôi. Có cầu, việc đi lại của người dân chúng tôi không còn nguy hiểm như trước nữa”, ông Dung hồ hởi cho biết.
Ốc đảo của 500 hộ dân
Khi chưa có cầu bắc qua suối Nủa, thôn Sát, xã Ban Công (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) vẫn là ốc đảo. Vào mùa mưa lũ, hơn 500 hộ dân với 4.500 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn, học sinh không thể đến trường dù cách nhà không xa.
Chủ tịch UBND xã Ban Công Vi Văn Toàn chia sẻ, ngày trước, vào mùa mưa gần 70 học sinh thôn Sát phải nghỉ học vì không thể qua sông đến trường. Người lớn cũng không ra khỏi thôn vì đi lại rất khó khăn.
Tháng 4 vừa qua, sau khi khánh thành cây cầu thôn Sát, học sinh có thể tự đi xe đạp đến trường, không còn phải cảnh chờ bè qua sông như trước.
Cầu treo thôn Sát được xây dựng với tổng mức đầu tư 3,7 tỷ đồng, dài 77m rộng 3,5m được khởi công tháng 8/2018.
Cần thêm 2.500 cầu
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sau sự kiện cô giáo chui tuí nilon qua suối đến trường tại Điện Biên (2014), đến nay đã có gần 2.000 cầu dân sinh được xây dựng.
Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn giai đoạn 2016-2020, làm mới 2.174 cầu khu vực miền núi, nông thôn khắp 51 tỉnh thành của cả nước. Sau 3 năm thực hiện, đã khởi công xây dựng được gần 2.000 cầu dân sinh.
Là đơn vị triển khai các dự án cầu dân sinh, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: "Các điểm vượt sông, suối mất an toàn giao thông đã được thay thế bằng các cây cầu giải quyết an sinh, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội".
Cầu thôn Sát |
Cục trưởng Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) - Nguyễn Trung Sỹ thông tin, hiện nay trên cả nước vẫn còn nhiều nơi người dân qua sông, suối rất khó khăn và mong muốn được xây cầu dân sinh để đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, việc huy động vốn trong nước hiện nay còn hạn hẹp.
Được biết, Bộ GTVT đã có ý kiến với WB tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ bố trí khoản vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng cầu dân sinh và đường giao thông nông thôn giai đoạn 2.
Trong đó, hợp phần xây dựng cầu dân sinh có tổng mức đầu tư dự kiến cần khoảng 200 triệu USD để xây thêm gần 2.500 cầu. Hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương tổng vốn đầu tư dự kiến 150 triệu USD để khôi phục, cải tạo tối thiểu 676km đường.
Vũ Điệp