Hơn 2.000 công nhân, khoảng 6.500 sinh viên ngoại tỉnh ở Đà Nẵng muốn về nhà trong bối cảnh dịch bệnh ở thành phố này diễn biến phức tạp.
Chiều 17/8, bà Phạm Thị Thuý Linh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP Đà Nẵng, cho biết số lao động và sinh viên ngoại tỉnh ở Đà Nẵng rất nhiều, qua thống kê sơ bộ khoảng 8.500 người "có nguyện vọng về quê".
Sở Lao động Thương binh Xã hội TP Đà Nẵng đã gửi văn bản đến các địa phương yêu cầu tổng hợp danh sách. Những người ngoại tỉnh muốn rời Đà Nẵng cũng có thể gọi điện đến tổng đài 1022 của Đà Nẵng, hoặc chính quyền nơi cư trú để thông báo.
Đến chiều nay, 1.065 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, 965 lao động tự do, đang thất nghiệp và gần 6.400 sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã liên hệ với cơ quan chức năng, trình bày mong muốn được hỗ trợ về quê vì Đà Nẵng cách ly xã hội từ 0h ngày 28/7, tàu xe dừng hoạt động.
"Theo phương án dự trù, những người muốn rời Đà Nẵng sẽ được làm xét nghiệm nCoV. Thành phố hỗ trợ đưa họ ra khu vực giáp ranh và xe của các tỉnh, thành sẽ đón họ về để giám sát, cách ly 14 ngày với người về từ vùng dịch", bà Linh nói.
Một công nhân Quảng Nam ngồi trước phòng trọ ở khu Công nghiệp Hoà Khánh (Đà Nẵng). Ảnh: Gia Chính. |
Bà Linh cho biết, thành phố cũng xin Thủ tướng cho mở tuyến tàu hoả để người lao động, sinh viên đi lại. Do đó, Đà Nẵng sẽ liên hệ với các địa phương nắm được số lượng người về, có lực lượng chức năng đón tại nhà ga.
Đà Nẵng sẽ hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho những người muốn rời thành phố. Các địa phương có người lao động và sinh viên đến Đà Nẵng, sẽ mở đường dây nóng để nhận đăng ký và có thể làm việc với các đơn vị vận chuyển để đưa ra chính sách trợ giá.
Ba tuần nay, vợ chồng anh Minh Lai (24 tuổi) đang thất nghiệp. Vợ anh, chị Hoài Phương (22 tuổi) cho biết họ mang theo con nhỏ một tuổi từ Quảng Trị vào Đà Nẵng được vài tháng. Anh làm lao động tự do, còn chị làm công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).
"Những tháng trước, chồng đi làm được 5 triệu. Tôi bận chăm con nhỏ, không tăng ca được nên lương chỉ được 4 triệu. Trừ chi phí ở trọ gần 2 triệu và tiền ăn uống, cũng chỉ dư được chút ít. Nay dịch bệnh kéo dài nên nếu tiếp tục ở trọ không biết sẽ cầm cự đến khi nào", chị nói.
Để giảm bớt chi phí ăn uống hàng ngày, chị Phương liên hệ với tổ chức từ thiện và nhận được hỗ trợ một số thùng mì tôm. Hai vợ chồng đang bàn tính việc về quê, song lo lắng "nếu về quê rồi, hết dịch vào lại sẽ không xin được việc làm".
Còn bà Duyên, 43 tuổi, làm nghề phụ hồ cho biết nhiều ngày qua hai vợ chồng chỉ quanh quẩn ở nhà. Gần khu vực bà thuê trọ trên đường Tô Hiệu (phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu), đã có người nhiễm nCoV nên "ở lại cũng lo dịch bệnh".
Ông Lê Dũng, 58 tuổi, chồng bà đi làm bảo vệ cho một công ty, lương tháng 4,5 triệu đồng. Khi thành phố cách ly xã hội, công ty đóng cửa, ông đành về ở trọ. "Tôi làm lao động tự do về quê thì dễ, nhưng nếu chồng cũng về không biết có bị phá vỡ hợp đồng không nữa", bà nói.
Trước đó chiều 16/8, UBND TP Đà Nẵng gửi tờ trình lên Thủ tướng, xin chỉ đạo cho phép người lao động, học sinh, sinh viên được rời thành phố này về quê. Nếu được chấp thuận, Đà Nẵng mong muốn Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành đang có người dân ở Đà Nẵng cùng phối hợp để tiếp nhận, đón công dân về.
Đến nay Đà Nẵng ghi nhận 344 ca mắc Covid-19; đang áp dụng cách ly xã hội toàn thành phố.
2 ca mới mắc COVID-19 ở Hải Dương và Quảng Nam
Sáng 17.8. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có thêm 2 ca mới mắc COVID-19 ghi nhận ở Hải Dương ... |
Bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng thoát cửa tử, hồi phục đầy kỳ diệu
Tim phổi bệnh nhân từng bị tổn thương nặng, phải thực hiện ECMO, thở máy và có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Thế nhưng ... |
3 người mắc COVID-19 trong 1 đám ma, Đà Nẵng ra thông báo khẩn
Đà Nẵng thông báo tổ chức, cá nhân liên quan đến đám tang trên trên địa bàn quận Thanh Khê liên hệ cơ quan chức ... |