Những thầy, cô có nhiều đóng góp trong giáo dục đặc biệt sẽ được nhận bằng khen và sổ tiết kiệm 10 triệu đồng.
Ngày 25/8, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thông tin chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 sẽ tôn vinh 63 giáo viên đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, phát biểu tại họp báo giới thiệu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Ảnh: BTC
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, cho biết trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức sẽ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô ở một số tỉnh thành. Mỗi thầy cô được tuyên dương được nhận một số tiết kiệm 10 triệu đồng cùng bằng khen từ Trung ương Hội, Bộ Lao động và Bộ Giáo dục.
Đặc biệt, năm nay chương trình sẽ tổ chức cuộc thi online "Nghĩ về người giáo viên giáo dục đặc biệt" để xã hội cùng chia sẻ khó khăn và gửi lời động viên đến các thầy cô.
"Nghề giáo đòi hỏi sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ. Đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, khổ nhọc hơn rất nhiều. Người thầy phải có ý chí, nghị lực phi thường và phải có tấm lòng yêu thương cao cả mới có thể bám trụ được với nghề", bà Vân chia sẻ lý do lựa chọn đối tượng của chương trình.
2018 là năm thứ tư "Chia sẻ cùng thầy cô" được triển khai. Trong ba năm trước, chương trình đã tuyên dương 166 thầy, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo, các trường học nằm trên đảo và cán bộ chiến sĩ biên phòng làm công tác dạy học, giúp đỡ học sinh đến trường.
Năm nay, thời gian nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 25/7 đến 25/9. Lễ tuyên dương được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Hà Nội.
Ấn Độ giúp hơn 500 người khuyết tật tại VN lắp chân giả miễn phí
Trong dự án hỗ trợ nhân đạo này, hơn 500 người khuyết tật tại Việt Nam sẽ được lắp chân giả miễn phí trong vòng ... |
Lớp học miễn phí trên cao nguyên của cô giáo khuyết tật
Thương những đứa trẻ J\'rai không có điều kiện học tập, cô Rmah H’Blao (Gia Lai) miệt mài đứng lớp trên đôi chân tật nguyền, ... |
Hai dự thảo luật giáo dục \'bỏ rơi\' người khuyết tật
Gần 100 trang báo cáo tổng kết thi hành Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học không đề cập đến giáo dục hòa ... |