Tài tử Chánh Tín, diễn viên Mai Phương, danh hài Chí Tài... đột ngột qua đời, để lại khoảng trống lớn trong làng nghệ thuật biểu diễn 2020.
Lĩnh vực phim ảnh, công chúng đón nhận tin buồn từ đầu năm. Rạng sáng 4/1, tài tử Chánh Tín đột ngột mất ở nhà riêng, thọ 68 tuổi. Bà Bích Trâm, vợ cố nghệ sĩ, nói tối cuối cùng, sức khỏe ông ổn định dù phải điều trị tiểu đường nhiều năm. Thời đỉnh cao, ông ghi dấu với hàng chục tác phẩm - trong đó có vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa và nhiều phim nhựa thập niên 1990.
Tháng 3, diễn viên Mai Phương mất ở tuổi 35 sau hơn một năm trị ung thư phổi, để lại con gái bảy tuổi. Là gương mặt quen thuộc của làng giải trí miền Nam, cô được yêu mến bởi nhiều phim truyền hình, kịch nói như Những thiên thần áo trắng, Mộng phù du, Xóm cào cào... Bạn trai cũ - ca sĩ Phùng Ngọc Huy, cha bé Lavie - cho biết sẽ đưa bé sang Mỹ chăm sóc. Do chưa thể về nước vì dịch, anh ủy quyền cho người thân trong nước chăm sóc con.
Diễn viên Mai Phương sinh thời bên con gái Lavie. Ảnh: Mai Phương Official. |
Giữa tháng 6, sau hai tháng phát hiện chứng ung thư tụy ở giai đoạn cuối, nghệ sĩ Khôi Nguyên qua đời, thọ 77 tuổi. Vào nghề ở độ trung niên, ông là gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ với các vai trong Chạy án, Bí thư tỉnh ủy... Vài tuần sau, nghệ sĩ Hoàng Yến -bà Vi trong phim Của để dành, gương mặt gạo cội của làng phim ảnh miền Bắc- mất tại nhà, thọ 88 tuổi. Tháng 8, nghệ sĩ Trần Phương của Vợ chồng A Phủ qua đời ở tuổi 90, để lại sự nghiệp với hàng chục tác phẩm lớn của nền điện ảnh cách mạng.
Cuối tháng 10, nghệ sĩ Lý Huỳnh qua đời sau nhiều năm điều trị tiểu đường, thọ 78 tuổi. Sinh thời, ông nổi tiếng với loạt tác phẩm Mối tình đầu (1977), Vùng gió xoáy, Ông Hai Cũ (1982)..., tiên phong trong dòng phim tư nhân thập niên 1990. Không lâu sau, nghệ sĩ Ánh Hoa đột ngột mất vì tai biến, thọ 79 tuổi. Bà được xem là người mẹ hồn hậu của màn ảnh miền Nam, thành danh với các phim Đất phương Nam, Xóm nước đen, Mùa len trâu, Người đẹp Tây Đô, Đồng tiền xương máu...
Việt Trinh động viên tài tử Lý Hùng trong tang lễ cha anh - nghệ sĩ Lý Huỳnh. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Giữa tháng 12, tin nghệ sĩ Chí Tài bất ngờ qua đời ở tuổi 62 gây xôn xao. Cố nghệ sĩ đột quỵ ở cầu thang bộ chung cư anh sống tại Phú Nhuận, TP HCM, dù sáng hôm đó còn dự lễ cúng khai máy một phim. Anh để lại nhiều dự án dang dở, trong đó có tác phẩm điện ảnh đóng chính cùng danh hài Hoài Linh - Bố nói các con phải nghe.
Lễ tang của Chí Tài hôm 12/12 tại TP HCM, và sau đó tại Mỹ, để lại nhiều cảm xúc khó quên với khán giả trong và ngoài nước. Tình bạn đẹp Chí Tài - Hoài Linh, tình cảm vợ chồng của Chí Tài - ca sĩ Phương Loan khiến nhiều người xúc động. Hoài Linh cho biết sẽ cùng một số đồng nghiệp dùng quỹ từ thiện mang tên Chí Tài xây nhà tình thương cho người miền Trung như tâm nguyện của nghệ sĩ.
Làng nhạc tiễn đưa nhiều gương mặt gạo cội. Giữa tháng 3, danh ca Thái Thanh mất ở tuổi 86. Được xem là đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam, bà tạo ảnh hưởng với nhiều thế hệ ca sĩ suốt nửa thế kỷ qua "trường phái Thái Thanh". Bà nổi tiếng với các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ, nhưng thành công nhất khi hát nhạc Phạm Duy.
Cuối tháng 3, nhạc sĩ Phong Nhã - tác giả bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng - qua đời ở tuổi 96. Đến tháng 5, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mất sau hai năm điều trị ung thư, thọ 73 tuổi. Ngoài tình khúc Thu, hát cho người nổi tiếng, ông ghi dấu với nhiều ca khúc âm hưởng dân ca Nam bộ. Một tháng sau, nhạc sĩ Trần Quang Lộc - tác giả Về đây nghe em, Có phải em mùa thu Hà Nội - ra đi ở tuổi 71 vì ung thư.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đột ngột qua đời giữa tháng 9 sau thời gian trị chứng ung thư tụy. Nửa thế kỷ sáng tác, di sản của ông là những ca khúc đậm văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, như Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ... Nhạc sĩ Văn Ký - tác giả ca khúc Bài ca hy vọng - cũng qua đời vì ung thư, thọ 92 tuổi.
Hôm 22/12 (giờ địa phương), nhạc sĩ Lam Phương qua đời tại Mỹ sau nhiều năm chống chọi chứng tai biến, thọ 83 tuổi. Là tác giả tiêu biểu của nhạc Việt giai đoạn 1954 - 1975, ông sáng tác hơn 200 ca khúc, nhiều bài hát đã đi sâu vào tâm tưởng khán giả như Thành phố buồn, Kiếp nghèo, Tình bơ vơ, Cỏ úa...
Nhiều tên tuổi của làng nhạc ra đi khi đang ở độ sung sức trong nghề. Cuối tháng 2, ca sĩ thính phòng Vũ Mạnh Dũng đột ngột mất ở tuổi 42 sau khi bị anh vợ sát hại tại nhà riêng. Trọng Tấn nói cố nghệ sĩ được nể trọng bởi chất giọng Baritone (nam trung) trời cho, kết hợp học hành bài bản, biểu diễn linh hoạt trên sân khấu. Tháng 7, nhạc sĩ giao hưởng, thính phòng Vũ Nhật Tân mất ở tuổi 50, sau nửa năm phát hiện ung thư trực tràng.
Tháng 10, sau ba tháng chống chọi viêm màng não, ca sĩ Tuấn Phương qua đời ở tuổi 43. Thời gian chữa bệnh, anh luôn khát khao hồi phục để được tiếp tục làm nghề. Nghệ sĩ Hồng Liên - đồng nghiệp - nói dù ở sân khấu nào, diễn cho ai nghe, anh vẫn luôn hát bằng cả trái tim.
Sân khấu cải lương chứng kiến nhiều mất mát. Đầu tháng 2, nghệ sĩ Chiêu Hùng bị nhồi máu cơ tim, qua đời ở tuổi 55 chỉ sau hai ngày hôn mê sâu. Anh được các nghệ sĩ như Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm... chung tay ủng hộ do gia cảnh khó khăn. Không lâu sau, nghệ sĩ Huỳnh Nga - đạo diễn vở Đời cô Lựu cùng loạt tác phẩm sân khấu kinh điển - qua đời ở tuổi 88, sau nhiều năm điều trị thận, tim...
Nghệ sĩ Nam Hùng - một trong những tên tuổi của cải lương thời vàng son - mất vì bệnh nặng ở tuổi 82. Nhân 49 ngày của ông, vợ - nghệ sĩ Tô Kim Hồng - ấp ủ làm triển lãm ảnh gần 70 năm ông theo nghề để tưởng nhớ chồng. Gần đây nhất, nghệ sĩ Hề Sa - giọng ca vọng cổ hài lừng lẫy thập niên 1970 - qua đời sau thời gian trị bệnh suy thận, tim mạch... Biết gia cảnh ông khốn khó, nghệ sĩ Minh Vương lo liệu nơi an táng cho đồng nghiệp ở Bình Dương.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói năm 2020 làng giải trí, nghệ thuật đón nhận quá nhiều tin buồn, để lại khoảng trống khó bù đắp. Ca sĩ Thanh Hà cho rằng hiếm năm nào giới nghệ sĩ trải qua nhiều mất mát như vậy. Những ngày cuối năm, Ngọc Huyền viết dòng thơ tưởng nhớ các nghệ sĩ quá cố: "Người rời rõi tạm nhẹ nhàng/ Để thương để nhớ muôn ngàn thế nhân".
Tam Kỳ