Từ một kẻ sống vùi trong ma túy, Lê Trung Tuấn đã cai nghiện thành công và thành lập trung tâm, giúp hàng trăm người khác cai nghiện.
"Sáu lần sảy, mẹ mới sinh được tôi. Chính vì thế tôi được cưng chiều từ nhỏ. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến tôi sa chân vào ma túy khi lên Hà Nội học cao đẳng", Lê Trung Tuấn, 45 tuổi, chậm rãi kể về quãng đời đen tối nhất của mình.
Biết bố mẹ sẽ không dám "làm căng" nên khi bị gia đình phát hiện, gã trai quê Duy Tiên, Hà Nam công khai luôn việc nghiện ngập. Hàng trăm lần Tuấn nói với mẹ: Cho con tiền chơi nốt lần này thôi. Nhìn con trai vật vã, bà Lương Thị Vân lại nuốt nước mắt, nhét tiền vào tay con. Bòn hết tiền của mẹ, Tuấn lừa đến chị gái. Nhà không còn gì để lấy, Tuấn "dạt" lên Hà Nội làm bảo kê, đâm thuê, chém mướn... để kiếm tiền thỏa mãn những cơn vật ngày càng dày.
Vì tai tiếng có thằng con nghiện ma túy, nhiều lần mẹ Tuấn đi chợ nhưng phải xách làn về không vì chẳng ai bán cho bà. Bố Tuấn từ chức phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã vì hội viên chê ông "không đủ uy tín".
Những lúc không bị ma túy hành hạ, Tuấn cũng muốn cai. Lần đầu, anh nhờ cha nhốt trong phòng kín, xích chân vào nền nhà rồi ném chìa khóa xuống ao. Nhưng chỉ ba ngày, trong cơn vật thuốc, Tuấn lồng lên như thú dữ, phá cửa phòng, phá cửa chớp, kéo bật mảng bê tông gắn với sợi xích lao ra đường đi tìm thuốc. Hôm đó, khi đã "chơi đã đời", Tuấn lại quỳ xuống chân mẹ: "Lần này, con hứa sẽ cai nghiện".
Tuấn thể hiện quyết tâm rất cao bằng cách bảo mẹ cạo trọc đầu mình rồi lôi cuốc xẻng, xà beng, xô chậu, ngày đêm đào hào quanh ngôi nhà rộng 200 m2. Hệ thống hào bị đào sâu đến độ muốn xuống phải bắc thang. Ông Lê Văn Thùy, bố Tuấn, bảo vợ "thằng Tuấn nó đào địa đạo như thời chiến tranh".
Sau hơn một tháng, Tuấn không còn cảm giác thèm ma túy. Anh tăng cả chục cân, da đỏ, mắt sáng. Mọi người đều tin và ngưỡng mộ quyết tâm của Tuấn.
Lê Trung Tuấn còn truyền cảm hứng và niềm tin có thể cai nghiện được với hàng nghìn học viên ở các trung tâm cai nghiện khắp Việt Nam. Ảnh: Lê Sâm. |
Thấy anh "đổi đời", một người bạn nghiện đến nhờ chỉ cách cai. Nhưng khi hai người ôn lại kỷ niệm hút chích, Tuấn lại rạo rực khắp người bảo bạn đi mua ma túy. Một lần nữa, Tuấn bán mình cho "chất trắng".
Lần này, anh được đưa vào trung tâm cai nghiện. Ở đây, Tuấn đánh nhau với đại ca ở trại, rồi nghiễm nhiên trở thành đàn anh. Nhưng một lần thấy mẹ già xách túi vào thăm, đứa con "phá gia chi tử" lại day dứt, yêu cầu đàn em xăm từ "Hạnh phúc" dưới lòng bàn chân. "Tôi và tất cả những người nghiện ở trung tâm này đã chà đạp lên hạnh phúc của chính mình", Tuấn giải thích và quyết tâm phục thiện. Có điều, lần cai nghiện này của gã cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ. Vừa bước qua cổng trung tâm, đi qua lùm cây hai năm trước từng ngồi chích ma túy, cơn thèm lại trỗi dậy dữ dội, Tuấn không về nhà nữa mà lao đi tìm bạn nghiện.
Vòng luẩn quẩn "cai rồi lại nghiện" của Lê Trung Tuấn lặp lại "cả trăm lần" cho đến khi người vợ từng dũng cảm chấp nhận quá khứ của anh, cũng không thể chịu nổi, quyết định ly hôn. Phút đó, Tuấn nghĩ mình "không còn gì để mất", chạy đi mua ma túy, tiêm thẳng vào tĩnh mạch để tự vẫn. Suốt 7 giờ đồng hồ không thấy Tuấn tỉnh lại, xóm làng kéo đến bàn chuyện đóng quan tài, thuê phường bát âm.
6 giờ sáng, anh mở mắt, thấy mình đã được mặc quần áo mới, tay chân bị trói đợi giờ liệm. Bà mẹ nhìn Tuấn bật dậy, kinh hãi chắp hai tay lên trời vái lia lịa. Nước mắt tràn xuống khóe miệng đang khô khốc của đứa con sa ngã: "Mình không chết được thì phải sống cho đáng con người".
Trước mặt mọi người, anh một lần nữa hứa cai nghiện. Hàng xóm nghe thế bảo: "Thằng Tuấn mà cai được tôi xin chặt đầu".
Ba ngày liền, Tuấn ngâm mình trong bể nước để cắt cơn. Bố Tuấn sợ con vật thuốc mà đập đầu vào thành bể nên đặt một cái ghế ngồi ngay bên cạnh. Thi thoảng, người đàn ông tóc hoa râm xoa đầu con động viên. Nửa tháng đóng cửa trong nhà, Tuấn hết thèm thuốc.
Cũng nhờ lần cai nghiện này mà năm 2001, cô gái Phạm Thị Bằng kém 7 tuổi, ở làng bên, dám đến với Tuấn, bất chấp phản đối của cha mẹ, dị nghị của người làng. Hai vợ chồng vay mượn để khởi nghiệp bằng nghề nuôi vịt. Một lần, sang làng bên đi đám cưới, Tuấn gặp người bạn nghiện cũ nên lao theo vào nghĩa địa. Cầm xi lanh lên định chích, khuôn mặt vợ và đứa con gái vừa chào đời hiện lên, Tuấn bừng tỉnh bơm thuốc ra ngoài, lấy kim tiêm chọc nát đùi với hy vọng cơn đau sẽ át đi cơn vật. Đêm về, anh vạch đùi vấy máu cho vợ xem. Họ ôm nhau, khóc trong hạnh phúc. Tuấn biết mình đã có thể đoạn tuyệt ma túy.
Khởi nghiệp với vịt thất bại, vợ chồng Tuấn trải qua hàng loạt nghề khác nhau như buôn xe máy cũ, buôn bất động sản rồi dùng vốn để mở công ty taxi ở Hưng Yên, xe tải ở Đăk Nông.
Công việc kinh doanh đang thuận lợi, Tuấn tình cờ đọc được tin người bạn từng ở cùng anh tại trung tâm cai nghiện bị xử tử về tội giết người. "Tôi nghĩ nếu được giúp đỡ, có lẽ cậu ấy không sa ngã đến vậy. Tôi quyết định phải làm gì đó giúp những người lầm lỡ như mình làm lại cuộc đời", Tuấn nói.
Anh bán hết cơ ngơi, cùng gia đình ra Hà Nội. Ở đây, cùng kiến thức tích luỹ và sự hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà khoa học, Lê Trung Tuấn thành lập Trung tâm nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma tuý PSD, tiền thân của Viện nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma tuý PSD hiện nay. Người nghiện đến đây sẽ được hỗ trợ cai bằng phương pháp tâm lý, được phục hồi thể chất và hỗ trợ tái hòa nhập.
Trên hành trình "trả nợ cộng đồng" của Lê Trung Tuấn, anh và các nhân viên PSD được Colombo Plan - tổ chức quốc tế với mục đích hợp tác phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương, hỗ trợ đào tạo, tập huấn về phòng, chống ma túy, giảm tác hại của ma túy...
Anh Lê Trung Tuấn giới thiệu các mô hình sử dụng ma túy trong Khu trưng bày và đào tạo kỹ năng phòng chống ma túy của viện PSD với bà Phan Kiều Thu - Đại sứ, Tổng Thư ký Colombo Plan (áo dài) cùng đoàn lãnh đạo tổ chức Colombo Plan, tháng 3/2021. Ảnh: Viện PSD. |
Kim Tuân, 31 tuổi, tìm đến viện PSD như một phép thử, sau 9 năm anh đắm chìm trong ma túy. Với anh, khác biệt lớn nhất khi đến đây là anh được tôn trọng, không giống các trung tâm anh từng trải nghiệm.
"Đặc biệt, tôi học được những bài học sống ý nghĩa từ anh Tuấn. Tôi mình giống anh ấy nhiều thứ: được học hành tử tế, có gia đình gia giáo và cũng sa vào nghiện ngập. Thế thì anh đứng dậy được, tôi cũng sẽ làm được", Kim Tuân, giờ đã là chuyên viên tư vấn tâm lý của PSD nói.
Hiện PSD đã giúp hơn 230 người cai nghiện thành công. Ngoài hỗ trợ người cai nghiện, anh Lê Trung Tuấn xây tập đoàn đa lĩnh vực: thủy sản, bất động sản, truyền thông... Nhiều người cai nghiện thành công, cũng như Kim Tuân, đang được anh Tuấn trao cơ hội nghề nghiệp.
Phạm Nga
TP.HCM: Gã giang hồ số má nghịch súng bắn bạn tử vong, kéo thi thể bỏ ngoài vỉa hè |
Gã giang hồ đa tình |