SOS yêu cầu bổ sung thiết bị kiểm tra chất có hại trong nước sông Đà

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam yêu cầu bổ sung thiết bị kiểm tra hàm lượng hóa chất có hại trong nước sông Đà.

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam phối hợp với công ty CP nước sạch sông Đà đang lên phương án xử lý ô nhiễm môi trường sau sự việc đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn cấp nước của Nhà máy nước sạch sông Đà.

Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) Phạm Văn Sơn cho biết, sau khi khảo sát hiện trường vào chiều 16/10, chuyên gia của SOS đã phân loại khu vực ô nhiễm với mức độ khác nhau để lên phương án xử lý.  

Dầu thải ở đầu nguồn nước sạch sông Đà

Theo kết quả khảo sát, đến chiều 16/10 tại suối Trầm, chảy ra kênh dẫn nước của nhà máy vẫn còn hiện tượng váng dầu mỏng nổi lên mặt nước.

Các chuyên gia nhận định do dầu đã ngấm vào đất và dầu lắng đọng dưới bùn còn sót lại nổi lên khi người dân dẫm chân xuống lòng suối.

Lượng dầu này sẽ theo nước tiếp tục bám dính vào phù sa lắng xuống đáy, khuếch tán trong nước. Trung tâm SOS dự kiến sẽ thu gom toàn bộ đất, bùn có dầu, cỏ cây bám dính dầu trên suối Trầm chuyển về bãi tập kết để xử lý như chất thải nguy hại.

Riêng khu vực gần trạm bơm hồ Đầm Bài, dự kiến sẽ bơm hút toàn bộ sa lắng, lấy mẫu phân tích. Quá trình làm sẽ dùng vật liệu chuyên dụng nhằm thu hồi dầu có thể lẫn trong bùn sa lắng. 

Yêu cầu bổ sung thiết bị kiểm tra hàm lượng hóa chất có hại trong nước sông Đà.

Sau khi thống nhất phương án, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã huy động phương tiện, trang thiết bị vật tư chuyên dụng triển khai hoạt động xử lý ô nhiễm từ trưa ngày 17/10.

Việc đầu tiên là lắp đặt các tấm lọc chuyên dụng dọc theo suối Trầm, suối Bằng dẫn về hồ nước để tách dầu lẫn trong nước.

Đây là giải pháp triển khai khẩn cấp đầu tiên để ngăn chặn từ nguồn, không cho váng dầu, dầu lẫn trong nước cũng như các hạt rắn có dầu bám dính thoát ra môi trường.

Các tấm lọc chuyên dụng này được duy trì liên tục, lọc toàn bộ nước chảy từ suối Trầm xuống, kiểm soát dầu còn sót lại nhả ra từ đất. Đây là khâu quan trọng nhất trong hoạt động xử lý ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn.

Việc bơm hút và xử lý lớp bùn tại khu vực hồ Đầm Và tiếp giáp với suối Bằng, kênh dẫn nước vào trạm bơm cũng được triển khai nhằm loại bỏ dầu/hóa chất sa lắng.

Hiện nay Nhà máy chỉ có thiết bị kiểm tra liên tục 3 chỉ tiêu: độ đục, pH và clo dư. Đối với chỉ tiêu khác thì hàng tuần lấy mẫu phân tích và chờ kết quả. Trung tâm SOS đề xuất bổ sung thiết bị với khả năng kiểm tra hàm lượng một số loại hóa chất có hại trong nước trước khi đưa vào nhà máy.

Trong tương lai khi hoàn thiện dự án giai đoạn II bổ sung các thiết bị mới có khả năng tự chuyển sang chế độ báo động khi thiết bị phát hiện có hóa chất độc hại với hàm lượng vượt ngưỡng quy định.

Vụ đổ thải đầu nguồn nước sông Đà: Triệu tập một số người liên quan
Styren và nhiều thứ khác gây ô nhiễm nước Sông Đà
Các công ty nước sinh hoạt và cuộc đua nghìn tỉ
/ vietnamnet.vn