Bệnh viện công chỉ tập trung điều trị bệnh mà không chăm sóc tốt các vấn đề tâm lý, chế độ dinh dưỡng, môi trường xã hội cho người già.
Báo cáo của Trung tâm Tuổi thọ Thế giới cuối tháng 9, tuổi thọ trung bình người Hong Kong là 84,7, hệ thống y tế xếp hạng hiệu quả hàng đầu trên thế giới. Song, ngành y tế tại quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng dân số già hóa, tuổi thọ trung bình đang có xu hướng giảm.
Giáo sư Jean Woo, Giám đốc Viện Lão hóa CUHK Jockey Club, cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Hong Kong có cách tiếp cận mang tính chữa bệnh hơn phòng bệnh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng cơ bản chưa đủ tốt để đáp ứng nhu cầu tình trạng dân số đang già hóa.
Thực tế, ngay cả khi không mắc bệnh, sức khỏe, nhận thức của một người cũng có thể suy giảm dần khi lão hóa, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Việc ngăn ngừa các chứng bệnh tuổi già trước khi cơ thể lão hóa, phải nằm liệt giường, rơi vào trầm cảm cho người già chưa được thực hiện tốt tại Hong Kong. "Với những người đã về hưu, chất lượng cuộc sống quan trọng hơn việc họ sẽ sống thọ bao lâu", Jean chia sẻ.
Giáo sư Jean Woo. Ảnh: SCMP |
Bác sĩ tại các bệnh viện công rất bận rộn, thường chỉ dành năm phút cho mỗi bệnh nhân, phần lớn chỉ kê đơn thuốc mà không hỏi han, giải đáp, trò chuyện cùng bệnh nhân. Người dân không biết đi đâu để thăm khám ngoài bệnh viện do có quá ít các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu.
"Chính phủ đầu tư rất nhiều tiền cho các cơ quan quản lý bệnh viện, hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất, song chất lượng chăm sóc, chữa trị chưa được đảm bảo", Jean cho biết. "2/3 số bệnh nhân điều trị tại khoa nội là người già trong độ tuổi 90 đến 100. Có thời điểm, 1/3 bệnh nhân trong khoa mắc chứng mất trí nhớ".
Bà hy vọng những trung tâm y tế chính phủ dự kiến triển khai tại 18 quận trong quý ba năm nay sẽ có thêm nhiều y tá chăm sóc bệnh nhân tận tình. Những câu hỏi như "Ông có gặp khó khăn khi nhai không?", "Ông có bị khô miệng không?", "Răng ông có lung lay không?", vừa giúp phát hiện bệnh vừa làm bệnh nhân vui hơn.
Hong Kong có một số chính sách đúng đắn như cho phép người già chỉ phải trả 2 HKD khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng, nhờ đó khuyến khích họ ra ngoài vận động nhẹ nhàng, giao lưu.
Chương trình Voucher Chăm sóc Sức khỏe Người cao tuổi, hàng năm cung cấp các voucher chính phủ trị giá 2.000 HKD cho những người từ 65 tuổi trở lên, giúp họ thanh toán các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân như khám nha khoa, làm vật lý trị liệu hoặc điều trị bằng y học cổ truyền Trung Quốc.
Người già tại Hong Kong tập thể dục. Ảnh: SCMP |
Jean tin rằng Hong Kong nên quan tâm hơn đến môi trường xã hội, mối quan hệ của mỗi người dân với cộng đồng họ đang sinh sống.
Bà cho biết những kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị rất thích khái niệm môi trường thân thiện với lứa tuổi, như ý tưởng về một khu phố nơi mọi người có thể tiếp cận mọi tiện ích trong vòng 15 phút đi bộ, cung cấp không gian cho mọi người ngồi, trò chuyện, vận động.
Bà từng được một nhóm người Nhật phỏng vấn cho bộ phim tài liệu về bí quyết sống lâu của người Hong Kong. "Người Nhật rất coi trọng tuổi thọ, trong khi ở Hong Kong, hầu hết mọi người đều thờ ơ với việc chăm sóc sức khỏe người già", Jean nói.
Lê Hằng (Theo SCMP)