Trong ba ngày, bờ biển xã Tam Hải, huyện Núi Thành bị sóng đánh ăn sâu vào đất liền 10 m, chạy dài gần một km cuốn trôi nhiều hồ nuôi tôm của người dân.
Ảnh hưởng của bão số 5 (bão Matmo), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, đi kèm với sóng và nước biển xâm thực nên gần một km bờ biển khu vực Cửa Lở, xã Tam Hải bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Hà Văn Mai, một người dân nuôi tôm ở thôn Bình Trung, xã Tam Hải cho biết, cách đây 5 năm gia đình ông bỏ ra hơn 400 triệu đồng đầu tư hồ nuôi tôm cách bờ biển gần 100 m. Thế nhưng mỗi năm bờ biển bị sóng đánh gây sạt lở 15 m đến 20 m. "Trong ba ngày ảnh hưởng của bão số 5, nước biển xâm thực vào đất liền gần 10 m, cuốn trôi hồ tôm. Bao công sức, tiền của gia đình giờ rơi vào cảnh trắng tay", ông Mai nói.
Căn nhà của chủ hồ tôm bị sạt lở, chỉ còn lại một bức tường. Ảnh: Đắc Thành. |
Nước biển xâm thực khiến rừng phi lao phòng hộ dọc xã Tam Hải chắn sóng, gió bị cuốn trôi. Hàng trăm cây bật gốc nằm la liệt, có cây bị cuốn trôi ra xa. Dọc bờ, sóng ăn sâu vào đất liền để lại vực sâu cao hơn 2 m. "Hàng trăm hộ dân hiện sống cách bờ biển sạt lở 200 m rất lo lắng, cứ đà này nhiều căn nhà sẽ bị cuốn trong thời gian tới", ông Phạm Khắc Huy, ở thôn Tân Lập bày tỏ.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó chủ tịch xã Tam Hải cho biết, tình trạng sạt lở này đã diễn ra nhiều năm nay. Bình quân mỗi năm, nước biển xâm thực sâu khoảng 15 m, bởi khu vực này tiếp giáp cửa sông Trường Giang chảy ra gặp sóng biển đánh vào nên sạt lở lớn.
"Trong ba ngày từ 30/10 đến 1/11 bờ biển bị sạt lở gần 1 km và ăn sâu vào 10 m. Rừng cây phi lao dọc bờ biển bị sóng đánh nằm trơ gốc và năm ao nuôi tôm của người dân bị cuốn trôi", ông Hùng thông tin.
Gần 1 km bờ biển bị sạt lở, cuốn trôi một phần rừng phi lao phòng hộ. Ảnh: Đắc Thành. |
Theo ông Hùng, trước đây địa phương có kiến nghị và được tỉnh Quảng Nam giao cho huyện Núi Thành làm chủ đầu từ xây dựng bờ kè chắn sóng, chống sạt lở với kinh phí 100 tỷ đồng lấy từ phí môi trường dự án nạo vét thông nguồn, thoát lũ Cửa Lở nhưng đến nay dự án chưa thực hiện nên không có nguồn kinh phí để xây dựng.
"Tại khu vực này đã triển khai thử nhiệm xây công trình kè mỏ hàn theo công nghệ Hà Lan, tuy nhiên bị thất bại do sóng đánh", ông Hùng thông tin và chia sẻ mỗi khi có mưa bão chính quyền di dời người dân đến những khu trú tránh.
Tối 30/10, bão Matmo (bão số 5) đổ bộ vào Phú Yên, Bình Định với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 12 và gây mưa với lượng 200-300 mm trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Trung tâm Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ 4/11 đến đến hết tuần sau, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận tiếp tục mưa to, nguy cơ ngập lụt vùng đô thị, sạt lở đất ở vùng núi.
Trong 24 giờ tới vùng áp thấp giữa biển Đông có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó thành bão số 6, hướng vào miền Trung. Do ảnh hưởng của áp thấp, dải hội tụ nhiệt đới và không khí lạnh tăng cường, từ nay đến ngày 10/11 Trung và Nam Trung Bộ có mưa to.
Đắc Thành