Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông?

Sự sống đang tắt dần của người dân bên con sông vùng Kinh Bắc liệu có tươi sáng như kế hoạch nằm trên những tờ A4 của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh?

Trước cuộc sống của bà con đôi bờ sông quan họ dần trở nên bế tắc và khốn đốn vì dòng nước ô nhiễm, nhóm phóng viên VTC News tìm về làng nghề làm giấy Phong Khê và Phú Lâm – nơi tất cả các loại nước thải xả thẳng xuống sông Ngũ Huyện Khê, được cho là nguyên nhân bắt nguồn của hàng loạt tai ương giáng xuống đầu người dân nơi đây.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 1

Chúng tôi đem những gì ghi nhận được tìm gặp Chủ tịch UBND phường Phong Khê - ông Lê Văn Tấn. Vị này xác nhận tình trạng ô nhiễm ở địa phương là do các nhà máy sản xuất giấy.

Thế nhưng, vị lãnh đạo phường lại thản nhiên cho rằng thực trạng này không phải trách nhiệm của người đứng đầu phường như ông. Thậm chí, vị này cho rằng nếu quy hết trách nhiệm cho ông là không công bằng.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 2

Ngay như mình sinh sống và làm việc ở đây cũng cảm thấy rất khó chịu vì ô nhiễm môi trường. Ở đây như kiểu một ông làm, một ông hưởng, một ông chịu. Như vậy là không công bằng”, ông Tấn nói.

Nói rồi, ông Tấn cho biết thêm tình hình xả thải và xử lý chất thải những năm gần đây đã có tiến triển. Nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn của phường vẫn đang hoạt động tốt và xử lý gần như toàn bộ nước thải ở cụm làng nghề Phong Khê.

Hiểu rằng việc xử lý nước thải là chưa đủ để giải quyết được vấn đề môi trường và sức khỏe của người dân, phóng viên đến gặp ông Đặng Công Hưởng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh và “người giữ cổng dòng chảy” - đại diện Công ty Thủy lợi Bắc Đuống.

Cả hai vị này đều cho rằng trách nhiệm của đơn vị mình là điều tiết dòng chảy nên truy cứu trách nhiệm quản lý chất lượng nguồn nước là không phù hợp.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 3

“Công trình thủy lợi của ngành chúng tôi thì phải tiếp nhận tất cả nguồn nước, không thể chặn nguồn nước nào cả và phải xả nước khi mà yêu cầu mực nước trong đồng của bà con nông dân cần phải xả.

Do đó, nếu mực nước sông Ngũ Huyện Khê đầy thì chúng tôi bắt buộc phải mở cống xả ra sông Cầu, còn nguồn nước có ô nhiễm hay không ô nhiễm thì chúng tôi không thể làm khác được. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi”, ông Đặng Công Hưởng nhấn mạnh.

Nói rồi, ông Hưởng “hướng dẫn” phóng viên đi tìm trách nhiệm của những cơ quan khác.

Tiếp xúc với chúng tôi, đại diện Công ty Thủy lợi Bắc Đuống cũng hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm của đơn vị. Vị này cho rằng việc bơm xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu là đúng quy trình và lộ trình, dù biết nước bị ô nhiễm nhưng nếu chống lại quy trình này sẽ bị khiển trách.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 4

Ông Nguyễn Văn Ty – Chủ tịch Công ty Thủy lợi Bắc Đuống cho rằng: “Khi nước sông Ngũ Huyện Khê ảnh hưởng đến sản xuất, vượt ngưỡng theo quy trình vận hành hệ thống thì chúng tôi bắt buộc phải xả cống, nước từ cống sẽ chảy thẳng ra sông Cầu. Đây là nhiệm vụ bắt buộc không thể làm khác được và chúng tôi không thể làm sai quy trình vận hành hệ thống”.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 5

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Ninh đã có phương án cải tạo sông Ngũ Huyện Khê với số vốn lên tới 700 tỷ đồng, nhưng cho đến nay phương án này vẫn đang bất lực trước sự bất chấp ô nhiễm môi trường của các chủ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Phương - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng, UBND thành phố Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du tổ chức kiểm tra thực trạng để đánh giá nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông Cầu.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 6

Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Cầu bắt nguồn từ nguồn nước ô nhiễm của sông Ngũ Huyện Khê do cụm công nghiệp làng nghề sản xuất Phong Khê và Phú Lâm gây ra.

Ngành Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu với UBND tỉnh Bắc Ninh có các biện pháp chỉ đạo nhằm khắc phục và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Cầu. Trước tiên là thành lập đoàn kiểm tra để xác định rõ các doanh nghiệp cũng như cá nhân nào gây ô nhiễm môi trường để đưa ra các biện pháp mạnh xử lý triệt để vấn đề này.

Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo UBND thành phố tích cực kiểm tra giám sát đối với các đơn vị xả thải ra môi trường sông Ngũ Huyện Khê; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Bắc Đuống có điều tiết hệ thống cống điều tiết của Đặng Xá và Vạn Phúc”, ông Phương nói.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 7

Phương án tiếp theo mà vị phó giám đốc này đưa ra là nâng cấp và cải tạo nhà máy Xử lý nước thải Phong Khê. Thế nhưng ông Phương cũng cho biết, đây mới chỉ là biện pháp phòng chống tạm thời, chưa phải phương án tối ưu và bền vững.

Nghị định 155 thay thế cho Nghị định 179 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước đó không còn cho phép các cơ quan chức năng cắt điện doanh nghiệp sai phạm. Điều này càng khiến việc xử lý các chủ doanh nghiệp, cá nhân vi phạm thêm khó khăn”, ông Phương thông tin.

Nhóm phóng viên tiếp tục tìm đến gặp ông Chu Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh để làm rõ sự việc. Ông Hải khẳng định, tình trạng ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê xảy ra nhiều năm và đã được Chính phủ đưa vào diện giám sát đặc biệt.

Nguyên nhân ô nhiễm là do việc xả thải trực tiếp chất thải ra sông Ngũ Huyện Khê của các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Cụm công nghiệp Phong Khê và Phú Lâm chưa được xử lý triệt để. Một phần nguồn nước này đổ ra sông Cầu khiến ô nhiễm nguồn nước lan rộng.

"Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Ngũ Huyện Khê thì chỉ có giải pháp cuối cùng là đóng cửa toàn bộ các nhà máy, cơ sở sản xuất giấy. Để làm được việc này cần phải có lộ trình, chính vì vậy mà UBND thành phố đã lập đề án, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh để triển khai kế hoạch lộ trình”, ông Chu Thanh Hải bày tỏ.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 8
Nước thải đen ngòm từ các nhà máy xả thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê.

Theo ông Hải, thành phố trước mắt thành lập các đoàn kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm xả thẳng chất thải ra môi trường, qua đó sẽ xử phạt nặng và yêu cầu phải dẹp các ông xả.

"Chúng tôi cũng thường tổ chức kiểm tra giám sát hàng năm, cũng xử phạt nhiều trường hợp. Năm 2020 cũng xử phạt trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên những mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...", vị lãnh đạo TP Bắc Ninh chia sẻ.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý tình trạng ô nhiễm trầm trọng kéo dài nhiều năm trên sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê do 2 làng nghề giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du) và Phong Khê (TP Bắc Ninh) gây ra.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh có giải pháp điều tiết cống Đặng Xá xả nước sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu để đảm bảo nước mặt sông Cầu trong giới hạn cho phép.

Sông Cầu trở thành nguồn đầu độc kinh hoàng: Ai cứu được sông? - 9

Theo đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh, phương án xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu là đóng cửa làng nghề làm giấy Phong Khê và Phú Lâm, mục tiêu năm 2030 chuyển đổi sang mô hình kinh tế logistics. Thế nhưng, phương án có vẻ khả thi nhất này cho tới giờ vẫn chỉ nằm trên giấy tờ và định hướng lâu năm của tỉnh.

Các phương án từ tỉnh đến thành phố, rồi địa phương và các sở ban ngành vừa nêu trên có đủ để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm khi mà các cấp chính quyền những thời kỳ trước đã nhiều lần hứa với dân, cũng như đề xuất và đưa ra các biện pháp nhưng vẫn không thể xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm trên những dòng sông.

Tình trạng ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu đã trải qua những cột mốc 5 năm – 10 năm – 20 năm, vậy đến khi nào con số này mới dừng lại?

Sự sống đang tắt dần của người dân bên con sông vùng Kinh Bắc liệu có tươi sáng hơn như những kế hoạch và dự định đang nằm trên những tờ A4 của các cơ quan chức năng?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, phường Phong Khê có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được khoảng 3.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường này lên đến khoảng 10.000 m3/ngày đêm, hơn gấp 3 lần công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Tuy nhiên, Nhà máy Xử lý nước thải Phong Khê thời gian vừa qua chỉ mới vận hành thử và đang tạm dừng hoạt động để sửa chữa được hơn 4 tháng. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung.

Còn tại cụm công nghiệp Phú Lâm có lượng nước thải hơn 4.000 m3/ngày đêm. Mặc dù UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định giao đất xây dựng Nhà máy xử lý nước thải từ năm 2016 để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê nhưng đến nay nhà máy này vẫn “bặt âm vô tín”.

NHẬT VŨ - VĂN CHƯƠNG - TIẾN DŨNG - BẢO LINH (Thiết kế: Đào Hiếu)

Sông Cầu thơ mộng trong văn chương đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng Sông Cầu thơ mộng trong văn chương đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng
"Thủ phủ" tôm hùm thiệt hại nặng sau lũ "Thủ phủ" tôm hùm thiệt hại nặng sau lũ
Nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn: Dawaco báo cáo khẩn Nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn: Dawaco báo cáo khẩn

/ vtc.vn