Sơn La gánh 4 trận động đất một ngày, Viện Vật lý Địa cầu cử đoàn khảo sát

Viện Vật lý Địa cầu cử đoàn chuyên gia khảo sát hiện trường sau 4 trận động đất liên tiếp trong ngày tại Sơn La.

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), lúc 16 giờ 17 phút 7 giây (giờ Hà Nội) ngày 27/7, một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.925 độ vĩ Bắc, 104.680 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.6 km.

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là trận động đất thứ 4 trong hôm nay ở Sơn La.

Ba trận động đất trước đó có độ lớn lần lượt là 5.3 (lúc 12h14), 3.0 (lúc 12h39) và 3.8 (lúc 15h52) tại huyện Mộc Châu.

Đặc biệt, trận động đất đầu tiên có cường độ được đánh giá là khá mạnh, tác động đến Hà Nội, gây rung lắc nhiều toà nhà cao tầng và khiến người dân sợ hãi.

\\"son
Nhiều nhà cửa hư hỏng do động đất ở Sơn La ngày 27/7.

TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, các trận động đất xảy ra trên đứt gãy sông Đà, một đới đứt gãy đang hoạt động mạnh ở vùng Tây Bắc. Chiều cùng ngày, Viện đã cử đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học đầu ngành đến khảo sát hiện trường, đánh giá nhận định về tình hình hoạt động động đất ở đây. Các nhà khoa học dự kiến sẽ lưu lại khoảng 10 ngày.

Tuy nhiên, việc liên tiếp xảy ra động đất trong ngày chưa hẳn là điều bất thường bởi sau một trận động đất có cường độ khá mạnh như trận động đất có độ lớn 5.3 lúc 12h14 trưa nay thường sẽ kéo theo dư chấn là các trận động đất nhỏ hơn khác, các dư chấn này thậm chí có thể kéo dài 1 tháng.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các trận động đất này.

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện yêu cầu UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

UBND các tỉnh thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Các tỉnh chỉ đạo kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập lớn tại khu vực bị ảnh hưởng của động đất.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục theo dõi dư chấn động đất, kịp thời thông tin phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN, những trận động đất ngày 27/7 trên địa bàn tỉnh Sơn La làm trụ sở UBND các xã Nà Mường, Tà Lại, Lóng Sập bị lún, nứt tường, gãy nhiều đoạn cổ trần. UBND xã Tà Lại bị cháy nổ hệ thống điện trong trụ sở.

Nhà văn hoá, trường mầm non, trạm Y tế một số xã bị sập trần nhựa, lún, nứt tường. 127 nhà dân bị lún, nứt tường, vỡ ngói lợp. 1 xe ô tô bị đá rơi đè bẹp. Không có thiệt hại về người.

\\"son Sơn La động đất 5.5 độ richte, người Hà Nội cũng nháo nhào khi nhà rung lắc

Theo Viện Vật lý địa cầu, vừa xảy ra trận động đất tại Sơn La với độ lớn 5.5 độ richte.

 

/ vtc.vn