Sớm "gỡ khó" cho cấp nước sạch nông thôn

Hà Nội đã và đang quan tâm chỉ đạo triển khai các dự án cấp nước sạch, mở rộng mạng lưới đường ống để phủ kín khu vực nông thôn. Tuy nhiên, giám sát mới đây của Ban Đô thị HĐND thành phố cho thấy, việc vận hành công tác này còn gặp khó khăn, bất cập và cần phải có giải pháp tháo gỡ.

nuocsach.jpg
Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khảo sát dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống (huyện Gia Lâm).

Chỉ có 274/413 xã được cấp nước sạch

Theo tổng hợp từ Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố hiện tại đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm khoảng 735.000m3/ngày đêm tại 16 nhà máy và một số trạm sản xuất nước cục bộ; nguồn nước mặt khoảng 795.000m3/ngày đêm tại 5 nhà máy nước mặt.

Về mạng lưới cấp nước, khu vực đô thị đã được phủ kín với tỷ lệ cấp nước đạt 100%; trong khi đó, khu vực nông thôn mới có 274/413 xã được cấp nước sạch. Các khu vực nông thôn còn lại hiện nay sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước cục bộ và nguồn nước do hộ gia đình tự khai thác sử dụng (nguồn giếng khoan, giếng đào, nước mưa, sông, suối, ao hồ…).

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, để phủ kín cấp nước tập trung cho người dân thì các dự án cấp nước phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến hết năm 2022, mới có 6/11 dự án nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt 1.530.000m3/ngày đêm. Dự kiến trong năm 2023 hoàn thành thêm Nhà máy Nước Phú Sơn (huyện Ba Vì) giai đoạn 2. Còn lại các dự án đang triển khai, gồm: Nhà máy Nước mặt sông Hồng; Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn II (hợp phần 2); Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì; Nhà máy Nước Xuân Mai tại Hòa Bình.

Việc chậm hoàn thành các dự án dẫn tới việc thiếu nước cục bộ. Đặc biệt, cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2023, vào mùa hè, khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn cấp từ Nhà máy Nước mặt sông Đà đã vận hành trên công suất thiết kế trung bình nhưng không đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dẫn tới một số khu vực cuối nguồn của hệ thống cấp nước sông Đà thiếu nước cục bộ như khu vực các quận, huyện: Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Thêm nữa, từ trước đến nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn là nước giếng đào, giếng khơi, nước mưa, nước giếng khoan, nước ao hồ, sông suối nên khi hệ thống cấp nước sạch tập trung được đầu tư xây dựng thì một số khu vực đấu nối thấp và lượng nước dùng thấp dưới 10m3/tháng, có hộ chỉ sử dụng dưới 2m3/tháng. Đây cũng là khó khăn cho nhà máy nước vận hành với khối lượng công suất thiết kế.

Nhiều hộ gia đình ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên mặc dù được lắp đường ống dẫn nước, nhưng sử dụng rất ít với lý do vẫn còn nước mưa, nước giếng khoan. Tương tự, tại huyện Thường Tín có 8/29 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch gồm: Văn Bình, Văn Phú, Liên Phương, Hà Hồi, Vân Tảo, Hồng Vân, Thư Phú và thị trấn Thường Tín nhưng chỉ có khoảng 45.795 người đấu nối sử dụng nước sạch, chiếm 16% dân số toàn huyện.

Cần cơ chế quản lý vận hành sau đầu tư

Qua giám sát của Ban Đô thị, HĐND thành phố, Hà Nội đang tồn tại danh mục 119 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Trong đó, 98 công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 21 công trình dùng 100% vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp. Qua kiểm tra của Thanh tra thành phố đối với 98 công trình có sử dụng vốn ngân sách, đã thu thập được hồ sơ của 92/98 công trình (trong đó 67/92 công trình về cơ bản có đủ hồ sơ; 25/92 công trình hồ sơ cung cấp không đầy đủ; còn 6/98 công trình chủ đầu tư chưa cung cấp được hồ sơ). Theo báo cáo của các chủ đầu tư, do các công trình đầu tư từ lâu (từ năm 1994 đến 1998) và do cán bộ quản lý hồ sơ về hưu, chuyển công tác nên đến nay hồ sơ đã thất lạc, không lưu giữ được.

Về tình trạng, hiện có 70/98 công trình đang hoạt động; 9/98 công trình đầu tư dở dang, không đủ điều kiện đưa vào hoạt động; 19/98 công trình sau khi đầu tư đã đi vào hoạt động, tuy nhiên đến thời điểm kiểm tra đã dừng hoạt động. Nguyên nhân, sau thời gian đầu sử dụng nước miễn phí, đến khi phải đóng tiền thì người dân địa phương không tiếp tục dùng nước; hoặc do số lượng các hộ dùng nước ít, số thu tiền nước không đủ chi phí, dẫn đến công trình buộc phải ngừng hoạt động...

Theo đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội, để sớm hoàn thành việc cấp nước sạch tập trung cho người dân Thủ đô, ngoài đẩy nhanh các dự án cấp nước theo quy hoạch, thì ở khu vực không thể đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung (khu vực khó khăn, địa hình đồi gò, dân cư thưa thớt tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ), thành phố giao các huyện nghiên cứu dự án cấp nước cho các khu vực bằng nguồn ngân sách và đề xuất cơ chế quản lý vận hành sau đầu tư. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND các huyện, Sở NN&PTNT khẩn trương hoàn thành hồ sơ đề xuất phương án xử lý tài sản cấp nước với các công trình nước sạch nông thôn đã đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Hiện nay còn 139 xã (183.133 hộ dân) chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Sở Xây dựng đã tham mưu báo cáo UBND thành phố giao 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn triển khai cấp nước cho 121/139 xã theo hình thức xã hội hóa, thời gian thực hiện hoàn thành năm 2025; giao UBND huyện Ba Vì triển khai tại 3 xã miền núi của huyện (không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung) thực hiện đầu tư công. Hiện còn 15/139 xã tại 2 khu vực (Phúc Thọ 9 xã và Sóc Sơn 6 xã) tại mỗi khu vực đều có 2 nhà đầu tư đề xuất nên sẽ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, dự kiến hoàn thành việc lựa chọn đơn vị cấp nước báo cáo UBND thành phố trong quý III-2023 để các đơn vị thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.

https://hanoimoi.vn/som-go-kho-cho-cap-nuoc-sach-nong-thon-638770.html

Tuấn Việt / HNM.com.vn