Mỗi khi em tắm lâu thì chồng bảo lãng phí nước và thời gian. Nấu ăn mà thiếu chút gia vị ảnh cũng không bằng lòng, buộc phải kiếm cho đủ.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em sống với ông chồng quá cầu toàn. Em làm cái gì anh ấy cũng săm soi: lau nhà không đúng ý anh thì anh lau lại, rửa chén bát xong anh kiểm tra xem có úp lên giàn đĩa chén không, chai nước rửa chén có để đúng chỗ không.
Giẻ lau cũng chia làm mấy loại, loại để lau tay khác loại dùng lau bàn và loại lót dưới kệ bếp. Loại nào cũng phải giặt sạch sẽ và phơi đúng chỗ.
Mỗi khi em tắm lâu thì chồng bảo lãng phí nước và thời gian. Nấu ăn mà thiếu chút gia vị ảnh cũng không bằng lòng, buộc phải kiếm cho đủ.
Đợi lúc vợ chồng vui vẻ, em góp ý để anh bớt cầu toàn thì anh bảo nhờ sự kỹ tính đó mà vợ con mới được… hưởng phúc. “Phải cho em qua… Nhật đào tạo một khóa mới được, người Nhật luôn chỉn chu, làm đúng ngay từ đầu chứ không sai đâu sửa đó. Cẩu thả như em mà qua đó hả, mười lăm phút là bị… trục xuất ngay!”.
Em cũng thích nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, nhưng sống mà lúc nào cũng nơm nớp sợ anh ấy… thanh tra chị ạ.
Làm sao cho anh… dễ tính hơn hả chị?
Lê Thị Khang (Q.7, TP. HCM)
Chị Khang thân mến,
“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”… chắc chị biết. Ngay chúng ta nhiều khi có tật - muốn sửa cũng phải từ từ và có ý chí. Nếu anh ấy thấy sống vậy là đúng thì càng khó. (Chị để ý câu anh ấy nói không? So sánh nguyên tắc làm đúng ngay từ đầu của người Nhật để khỏi… làm đại rồi làm lại kiểu Việt Nam). Nếu đó là nguyên tắc sống (mà lại là nguyên tắc… đúng nữa) thì không thể “sửa” anh ấy được.
Kỹ tính và khó tính có phải là một không? Tôi nhớ đâu đó trên mạng người ta đã tranh cãi rất… vui về việc này. Người thì bảo “nước trong không có cá, người kỹ quá ít bạn”, “soi người khác kỹ quá ra xã hội dễ… ăn đòn”. Người bảo kỹ tính là tốt, thường là người giỏi và thành công.
Lại có người “mắng mỏ” thế này: những người đại khái chính là những người không chịu áp lực công việc, quen làm ăn ba lăng nhăng, chứ thử đi làm ăn quy củ, ra được sản phẩm phải rất cẩn thận chăm chỉ, thì đó là chuyên nghiệp. Công việc cần nhất là hiệu quả, mà muốn hiệu quả phải tỉ mỉ và tính chính xác cao…
Nhưng rồi mọi người thống nhất với nhau: “vừa” mới tốt, còn “quá” dễ bị ghét. Phàm cái gì “quá” cũng đều không tốt, chuyện gì cũng vừa phải, chừng mực và hợp lý thì mới dễ sống.
Cái dễ “tha thứ” cho người cầu toàn kỹ tính là: chính họ khổ nhất mà không biết. Tiêu chuẩn cao nhìn đâu cũng không vừa ý thì khổ lắm. Kỹ tính và khó tính rất gần nhau nhưng nếu là một thì trong ngôn ngữ đâu cần hai từ khác nhau.
Thôi ta cứ đồng ý với tranh luận của đám đông: cái gì quá cũng không nên (trừ tốt quá và giỏi quá nhỉ). Cư xử và sống với người thân xung quanh nữa, cần có sự “tự điều chỉnh”, đừng làm khổ người khác.
Sống với người như chồng chị, ta sẽ phải vừa tốt vừa… phải chăm chỉ. Quan trọng là thấy nhau… tốt, yêu thương nhau để tự điều chỉnh thôi. Những người như vậy sống với những ai cẩu thả thì họ cũng khổ lắm.
Đàn ông cầu toàn ít hơn phụ nữ - quan sát xung quanh ta thấy thế. Nhưng đó không phải là người xấu. Nghĩ vậy dễ thông cảm nhau hơn, và sống với họ tuy khó chịu, nhưng ta cũng phải tự điều chỉnh mình theo hướng tốt và cảm thông.
Chúc chị vui và hạnh phúc.
Lý do chồng cũ đến "trấn" điều hòa của con giữa mùa hè nóng nực khiến tôi choáng váng
Tôi choáng váng với tin nhắn đòi “quà” của chồng cũ nên nhắn lại: “Anh lấy điều hòa thì con làm sao mà ngủ được”. ... |
Ly hôn ngay thời gian ở cữ vì bồ gửi ảnh nóng tận nhà, chồng cũ sớm nhận quả báo
Trong thời gian tôi sinh em bé và ở cữ, bắt đầu có những tin nhắn thách thức từ phía bồ cũ của chồng gửi ... |