Nhân dân tệ có thể mất giá 10% nếu Trung Quốc muốn trung hòa tác động từ thuế nhập khẩu của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm và chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt sớm. Các diễn biến gần đây thậm chí khiến nhiều nhà phân tích bắt đầu lo ngại nó biến thành chiến tranh tiền tệ. Đồng nhân dân tệ tuần trước liên tục yếu đi so với đôla Mỹ, vượt qua mốc 7 CNY đổi một USD lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Việc này khiến Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Trong một báo cáo gần đây, Bank of America Merrill Lynch Global Research dự báo diễn biến của nhân dân tệ trong 3 kịch bản của chiến tranh thương mại.
Kịch bản 1: Chiến tranh thương mại toàn diện - Nhân dân tệ mất giá 10%
Số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chỉ bằng một phần ba sản phẩm Mỹ mua từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa Trung Quốc không thể trả đũa thuế với quy mô tương đương Mỹ. Tuy nhiên, họ có thể hạ giá nhân dân tệ 10%, nhằm bù đắp ảnh hưởng của 10% thuế nhập khẩu Mỹ áp lên hàng Trung Quốc.
Kịch bản 2: Bế tắc kéo dài - Giá nhân dân tệ không đổi
Nhân viên đếm tiền 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Trong trường hợp bế tắc giữa hai bên kéo dài, nhân dân tệ có khả năng dao động trong biên độ hẹp. Vì Bắc Kinh vừa lo ngại sẽ chọc giận Mỹ nếu tiếp tục hạ giá nội tệ, vừa khiến các hãng xuất khẩu gặp khó nếu tăng giá đồng tiền này.
Kịch bản 3: Hai nước gần đạt thỏa thuận thương mại - Nhân dân tệ tăng giá nhẹ
Trong trường hợp này, giá nhân dân tệ sẽ tăng, nhưng rất hạn chế. Nguyên nhân là một khi hai nước đã có thỏa thuận, khả năng cao sẽ kèm điều khoản hạn chế mức tăng của nhân dân tệ. Nếu Bắc Kinh cảm thấy nhân dân tệ khó giảm giá, họ cũng sẽ muốn hạn chế mức tăng. Đặc biệt nếu họ cho rằng một khi nhân dân tệ tăng giá, việc này sẽ rất khó đảo ngược.
Tác động đến các đồng tiền khác ở châu Á
Việc nhân dân tệ yếu đi đã ảnh hưởng đến hàng loạt tiền tệ khác trong khu vực, như rupee Ấn Độ, đôla Singapore, won Hàn Quốc, ringgit Malaysia và rupiah Indonesia, Jameel Ahmad - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường và chiến lược tiền tệ tại FXTM cho biết.
Vì chiến tranh thương mại, won có vẻ là đồng tiền mất giá mạnh nhất, báo cáo nhận xét. Thương mại của Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và Mỹ, do quốc gia này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong các thị trường mới nổi châu Á là baht Thái. Dù ngân hàng trung ương nước này nỗ lực hạ giá, đồng baht vẫn tăng, do được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có thặng dư thương mại lớn.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tác động đến nhiều nền kinh tế khác. Khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các nền kinh tế càng có động lực dựa vào nội tệ yếu, Ahmad cảnh báo.
"Xét trên nhiều phương diện, việc các nước muốn nội tệ yếu đi trong thời kỳ bất ổn là điều khá dễ hiểu", Ahmad cho biết, "Tăng trưởng toàn cầu đang đi xuống, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cũng có khả năng yếu đi do niềm tin đầu tư suy giảm. Nội tệ yếu sẽ giúp tăng lợi thế xuất khẩu".
Hà Thu (theo CNBC)
Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ trở lại
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm nay thiết lập tỷ giá tham chiếu tại 7,0312 nhân dân tệ đổi một đôla Mỹ. |
Trung Quốc liên tục hạ giá đồng Nhân dân tệ
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa tiếp tục hạ giá đồng Nhân dân tệ, thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức 7,0211 ... |
Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, hậu quả đầu tiên dồn xuống Việt Nam
rung Quốc phá giá đồng tiền Nhân dân tệ (NDT), các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được nhận định ... |