- Chuyên gia: "Mất rừng tự nhiên là một trong nguyên nhân sạt lở núi"
- Ảnh: Hàng chục cây gỗ lâu năm trong rừng tự nhiên ở Quảng Nam bị ‘xẻ thịt’
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm hơn 2.850ha rừng tự nhiên năm 2021 so với năm 2020, trong đó sạt lở núi, mưa lũ đã làm giảm hơn 1.992ha.
Sáng 30/4, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở NN&PTNT đã có báo cáo giải trình diện tích rừng tự nhiên năm 2021 giảm so với năm 2020.
Theo báo cáo này, kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2021, tổng diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam là 463.356,77ha, giảm 2.850,44ha so với năm 2020.
Diện tích rừng tự nhiên giảm được lý giải là do cuối năm 2020, mưa bão kéo dài, đặc biệt là trong tháng 10/2020 gây sạt lở nên nhiều diện tích rừng tự nhiên bị giảm. Vì tình hình thời tiết mưa bão phức tạp nên đến năm 2021 các địa phương mới tiếp cận hiện trường để tổ chức đo đếm, cập nhật vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng năm 2021 với diện tích rừng tự nhiên bị giảm là 1.992,06ha, cụ thể huyện Phước Sơn (1.636ha), Nam Trà My (127,65ha), Bắc Trà My (109,13ha), Tây Giang (108,5ha) và Nam Giang (10,78ha).
Ngoài ra, trong năm 2021, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại 143,24ha rừng tự nhiên, gồm huyện Nam Giang (61,78ha), Nông Sơn (39,86ha), Bắc Trà My (12,6ha), Đông Giang (15,8ha), Phước Sơn (2,92ha), Núi Thành (1,2ha), Hiệp Đức (2,21ha), Nông Sơn (0,36ha).
Diện tích phá rừng trái pháp luật đã lập hồ sơ, xử lý theo quy định là 17,89ha, cụ thể huyện Bắc Trà My (2,1ha), Đông Giang (1,54ha), Đại Lộc (1,3ha), Hiệp Đức (1,31ha), Nông Sơn (0,36ha), Núi Thành (1,47ha), Phú Ninh (1,55ha), Phước Sơn (0,14ha), Thăng Bình (0,39ha), Tiên Phước (7,73ha).
Bên cạnh đó, diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng của công trình đường giao thông, tuyến đường điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 26,56ha, gồm huyện Nông Sơn (10,65ha), Tây Giang (8,33ha), Bắc Trà My (6,83ha) và Núi Thành (0,75ha).
Trong năm 2021, các Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng đã ứng dụng công nghệ trong việc đánh giá, theo dõi hiện trạng rừng, đồng thời tổ chức lực lượng rà soát diện tích rừng tự nhiên ngoài thực địa để đối chiếu với hồ sơ quản lý và đã lập hồ sơ bóc tách những diện tích là rẫy sản xuất, rừng trồng của người dân, các loại đất trống bị chồng lấn trên dữ liệu rừng tự nhiên nên đã bóc tách và cập nhật giảm 1.038,97ha rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là rừng phục hồi và rừng nghèo kiệt, cụ thể tại các huyện Hiệp Đức (183,28ha), Nam Giang (164,52ha), Đông Giang (139,73ha), Tây Giang (136,23ha), Nông Sơn (97,39ha), Bắc Trà My (87,47ha), Đại Lộc (42,46ha), Duy Xuyên (2,94ha), Núi Thành (27,03ha), Nam Trà My (38,84ha), Phú Ninh (11,68ha), Tiên Phước (54,40ha) và Phước Sơn (53,0ha).
Đồng thời, các đơn vị, địa phương đã rà soát cập nhật những diện tích đất chưa có rừng trạng thái DT2 (đất trống có cây gỗ tái sinh) trước đây nay đã phát triển thành trạng thái rừng phục hồi và rừng nghèo với tổng diện tích tăng thêm hơn 368ha rừng tự nhiên, cụ thể huyện Tây Giang (188,99ha), Bắc Trà My (138ha), Nam Trà My (21,72ha) Nông Sơn (19,4ha) và Nam Giang (0,13ha).
Như CAND Online đã đưa tin, ngày 25/4, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nêu rõ ngày 15/3/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 676/QĐ-UBND phê duyệt, công bố hiện trạng rừng năm 2021 trên địa bàn tỉnh, trong đó rừng tự nhiên giảm 2.850ha so với năm 2020 (tỷ lệ giảm 0,6% so với tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh).
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT giao, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể vị trí, diện tích, trạng thái rừng tự nhiên bị giảm; xác định nguyên nhân, thời điểm giảm diện tích rừng (chi tiết đến từng lô rừng và bản đồ dạng số các lô rừng tự nhiên bị giảm).
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Quảng Nam chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng; xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định tại khoản 4 Điều 102 Luật Lâm nghiệp.
Sau khi tiếp nhận công văn trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Sở NN&PTNT yêu cầu giải trình làm rõ rừng tự nhiên năm 2021 giảm so với năm 2020.