Gần 1000 km đó là quãng đường di chuyển đầy ám ảnh của gia đình tôi trong suốt chục ngày nghỉ Tết cũng chỉ vợ chồng tôi rơi vào cảnh “1 chốn 4 quê” theo đúng nghĩa.
Ngày tôi đưa anh về nhà ra mắt bố mẹ cách đây gần chục năm, tôi đã thấy mẹ tôi thở dài cái thượt rồi lẳng lẳng đi vào bếp, không thèm tiếp thằng “con rể tương lai” lại là đồng hương miền Trung với mẹ đang ngơ ngác đứng ngoài sân mà không dám vào nhà.
Rồi tôi bị mẹ phản đối kịch liệt chuyện tôi lấy chồng xa bởi mẹ cho rằng chính bà là gương... tày liếp về việc phải khổ sở như thế nào. Mẹ tôi là người gốc Nghệ An và về làm dâu Thái Bình. Suốt cả đời mẹ, nỗi ám ảnh lớn nhất là những khi có công việc, nhớ nhà, nhớ quê nhưng vì say tàu xe mà mỗi lần về, vượt quãng đường hơn 300 km bà lại như bị chết đi sống lại.
Những chuyến đi dài và mệt mỏi là ám ảnh đối với gia đình tôi vào dip Tết (ảnh minh họa: IT)
Có lần ông ngoại tôi ốm nặng, mọi người điện cho mẹ về gặp mặt ông lần cuối. Nhưng vì đường quá xa, tàu xe không thuận lợi, khi mẹ về đến nơi thì ông đã đi rồi, mẹ đau đớn ngất lên ngất xuống và tự hứa là sau này sẽ không bao giờ cho con gái lấy chồng xa nữa. Và rằng chúng tôi năm nào cũng phải có trách nhiệm về Nghệ An để thắp hương cho ông bà ngoại.... nếu không mẹ sẽ dần mất quê, mất gốc.
Ấy thế mà tôi lại “phản bội” lại lời hứa của mẹ, vẫn quyết tâm lấy anh về làm dâu Hà Tĩnh. Không ngăn cản được tôi, mẹ chỉ buông một lời: “Sau này có khổ đừng kêu”.
Năm 2010 chúng tôi lấy nhau rồi làm việc và mua nhà ở Hà Nội. Cái Tết đầu tiên làm dâu tôi bắt đầu thấm thía lời của mẹ. Hành trình Tết của gia đình tôi năm nào cũng bắt đầu từ ngày nghỉ lễ đầu tiên và lao vào cung đường tôi ví như ... một vòng trái đất. Từ Hà Nội, chúng tôi bắt xe khách 100km về Thái Bình đi Tết bên ngoại, sau đó bắt xe từ Thái Bình về Nghệ An hơn 300 km để về thắp hương cho các cụ bên ngoại nhà tôi theo lời hứa với mẹ. Rồi sau đó là hơn 100km nữa về nhà bố mẹ chồng tôi ở Hà Tĩnh.
Chưa dừng lại đó, mẹ chồng tôi lại là người Quảng Bình lấy chồng ra Hà Tĩnh, những năm mà cụ thân sinh ra mẹ chồng còn sống, vợ chồng tôi cũng phải thay mặt ông bà vào Quảng Bình để Tết cụ, sau này khi các cụ mất cả thì cách 1 năm 1 lần chúng tôi vào đó một lần để thắp hương, chúc Tết (chồng tôi là con trai duy nhất nên phải giữ trọng trách này). Cuối cùng sau cái Tết “dài ngoẵng” vợ chồng con cái lại sấp ngửa ngồi xe khách gần 400km ra Hà Nội.
Nhiều lúc tôi chỉ ước giá mà không có Tết (Ảnh minh họa: IT)
Bạn bè thấy vợ chồng tôi Tết nào cũng thở dài, ngao ngán, mệt mỏi thì bảo nên nói chuyện với ông bà mỗi năm về quê ăn Tết một nơi thôi để con cái đỡ vất vả. Tuy nhiên, điều đó là bất khả thi. Bởi lẽ, nhà chồng tôi chỉ có 2 anh em, cô em chồng lấy chồng mãi trong Nam vài năm mới về một lần. Nếu Tết chồng tôi chông về thì chẳng lẽ để hai ông bà lủi thủi ăn Tết với nhau? Còn bên nhà ngoại đã đành không về đón Giao thừa nhưng không thể không về qua để chúc Tết, bởi ông bà ngoại chỉ có nhõn... hai cô con gái. Tết nhất mà con rể không ngó ngàng thì ông bà cũng tủi thân lắm.
Đi lại nhiều, không phải chỉ vấn đề mệt mỏi, mà tiền nong cũng “rải đường” vô số kể. Thưởng Tết của tôi và chồng cũng rất khá nhưng chỉ cần 10 ngày Tết là tài khoản lại không còn một xu dính túi. Tiền xe cộ, tiền quà cáp nội ngoại, tiền mừng tuổi... còn không kể tiền thuốc thang ốm đau của vợ chồng và các con sau hành trình Tết dài. Nhiều cái Tết chỉ vì tiền, vì đi lại mà vợ chồng tôi cãi vã, chiến tranh lạnh suốt nhiều ngày trước và sau Tết. Có năm chỉ ước ông bà 2 bên gật đầu cái rụp để vợ chồng tôi được “đóng cửa” nghỉ ngơi đón Tết ở Hà Nội.
Những lúc như thế, tôi lại hối hận vô cùng vì trước đây không nghe lời mẹ, rồi lại tự dặn mình nhất định con gái tôi sau này sẽ không bao giờ được lấy chồng xa như tôi nữa...
Để công nhân lao động nghèo không tủi phận đón xuân
Truyền thống nhân ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc được phát huy mạnh mẽ vào mỗi dịp xuân về, cả cộng đồng ... |
Cái Tết không mai, đào của những trẻ mồ côi
Nhiều đứa trẻ sinh ra đã mang theo định mệnh không biết đến cái Tết quây quần đúng nghĩa. |